Vượt qua thảm họa chiến tranh

tháng 10/2001

LIÊN HOAN NGHỆ THUẬT PERFORMANCE ART CHÂU Á LẦN ĐẦU TIÊN TẠI NEW YORK

 

Chuyến máy bay của hãng hàng không United Airline từ Tokyo đến New York vắng hoe. Chỉ khoảng 14 – 15 người, trong đó có cả 6 họa sỹ từ 6 nước châu Á chúng tôi. Nữ tiếp viên hàng không mỉm cười với chúng tôi và bảo: “Xin quí vị cứ thoải mái chọn bất cứ chỗ nào trên chiếc máy bay này, và yên tâm nằm ngủ cho đến khi tới New York”. Một vài người nói đùa: “Ở đây có ai là không tặc không đấy?” Người khác trả lời: “Chẳng sao! Sống chết có số!”

Từ trên cầu Brooklyn, thành phố New York hiện ra trước mắt tôi lộng lẫy, thanh thản, và yên bình. Những toà nhà cao tầng nối nhau thành một khối đen xám khổng lồ trải dài trước mắt, làm nổi bật những khoảng trống tinh tế của bầu trời New York xanh thẳm và mát lạnh. Hàng ngàn con mắt đèn vàng sóng sánh mở ra trên bố cục đen xám ấy, dịu dàng mời gọi. Chúng tôi, sáu họa sĩ từ sáu nước Châu Á khác nhau ngồi lặng lẽ trong chiếc xe hơi màu đỏ bordeaux của Japan Society,  tiến vào khu Manhattan. Lặng lẽ vì xúc động. Cả năm họa sĩ kia – Chumpon Apisuk (Thái Lan), Hong O-Bong (Hàn Quốc), Arahmaiani (Indonesia), Aye Ko (Myanmar), Seiji Shimoda (Nhật Bản) – có người đã từng ở New York nhiều năm, có người đã đến đây rất nhiều lần. Nhưng tôi hiểu rằng cũng như tôi, họ đang xúc động trước cuộc gặp gỡ New York đặc biệt lần này. Đã rất khó khăn để tất cả chúng tôi có thể cùng gặp nhau nơi đây, cùng nhau tham dự Asian Performance Art  Festival (Liên Hoan Nghệ Thuật Trình Diễn Châu Á) lần đầu tiên được tổ chức ở New York, nơi mà chỉ hơn một tháng trước đây, đã xảy ra một bi kịch thảm khốc cho lịch sử nước Mỹ.

Bà Paula S. Lawrence, giám đốc Performing Art của Japan Society, và các đồng sự ôm chầm lấy chúng tôi trong một sự xúc động khôn nguôi. “Các bạn thật dũng cảm. New York vui mừng chào đón các bạn đến đây để chia sẻ với chúng tôi bằng nghệ thuật của các bạn sau sự kiện 11 tháng 9.”

Đúng vậy. Có lẽ chúng tôi là những nghệ sĩ đầu tiên dám đặt chân đến New York sau vụ khủng bố đáng sợ đó.  Mặc dù kế hoạch cho Festival này đã được dự trù từ đầu năm nay, nhưng bà Paula đã gửi thư cho tất cả sáu nghệ sĩ chúng tôi với một lời nhắn nhủ rằng: “Nếu các bạn ngại đến New York, các bạn có thể hủy chương trình của mình. Chúng tôi rất hạnh phúc nếu được các bạn đóng góp cho cuộc liên hoan rất có ý nghĩa này của New York, nhưng chúng tôi cũng rất hiểu và thông cảm cho nỗi e ngại của các bạn.” Và câu trả lời của tất cả chúng tôi là: “Nào, chúng ta cùng lên đường.”

Sau những chào hỏi bồi hồi xúc động ban đầu, đột nhiên, tiếng còi báo động của tòa nhà Japan Society nổi lên và nhân viên của toà nhà kêu vang: “Xin mời mọi người bước ra khỏi toà nhà này ngay lập tức.” Cả toà nhà nhốn nháo, tất cả chúng tôi vội vàng khuân hành lý chạy ra ngoài đường, ngơ ngác và sợ hãi. Khi đó, một nhân viên Mỹ da đen mới trấn an: “Xin lỗi các bạn. Đây chỉ là một cuộc diễn tập phòng ngừa hỏa hoạn mà thôi. Không có gì đâu!” Tôi hỏi: “Đây là việc thường xuyên diễn ra hay sao?” “Không. Xin lỗi, cô biết đấy, sau vụ World Trade Center…”. Tôi quay sang bà Paula: “Thưa bà, cuộc sống của người Mỹ bây giờ ra sao, bà cảm thấy như thế nào sau tất cả những mất mát trên?” “Ồ, cô biết đấy, trông tất cả có vẻ như rất bình thường. Chúng tôi vẫn tiếp tục công việc mỗi ngày. Người Mỹ là thế đó. Nhưng… bên trong thì không bình thường chút nào.” Bà cười…

Phải. New York trông có vẻ an bình đến bất ngờ. Ở đây, tôi không hề thấy có một cảm giác gì về chiến tranh. Như không hề có những cuộc không kích của Mỹ vào Afganistan. Trên đường phố người xe vội vã tấp nập. Các áp phích quảng cáo và đèn điện sáng tưng bừng. Chỉ có một điều đặc biệt: cờ Mỹ giăng khắp nơi. Từng cửa hiệu, cao ốc, từng căn nhà, từng dãy phố, phất phới cờ Mỹ bay trong gió. Trên các ô cửa kính san sát trên hè phố dán vô vàn cờ giấy trắng đỏ. Và tôi tìm thấy trong các cửa hàng trên quảng trường Times những mô hình hai toà nhà World Trade Center bằng kim loại nhỏ nhắn với dòng chữ tưởng niệm ngày 11 tháng 9 và lịch sử xây dựng của nó. Chumpon Apisuk – họa sĩ người Thái Lan – thốt lên: “Tôi đã từng ở New York mười năm, nhưng chưa bao giờ thấy thành phố nhiều cờ Mỹ đến như vậy. Nhiều đến mức làm tôi khó chịu. Tôi không muốn bước chân ra đường phố New York chút nào. Họ làm thế để làm gì? Để tưởng niệm cho những người đã chết nơi đây, hay là để giương cao lá cờ chiến tranh đang diễn ra ở Afganistan? Tôi không hiểu.”

Tôi cũng không hiểu, chỉ biết rằng khi tôi đến thăm hai toà nhà World Trade Center giờ đây đã sụp đổ, bỗng cảm thấy ớn mình và xót xa vì vẻ tang thương buồn bã, vì khí lạnh quanh quẩn khắp nơi đây, vì mùi khét túa ra trong gió, dẫu đã hơn một tháng… Tôi luôn luôn cảm thấy đau đớn trước những nỗi đau và sự mất mát. Những người Việt Nam của tôi cũng đã từng có những cái chết còn thảm khốc hơn thế này trước đây, rồi đến lượt những người dân Mỹ vô tội, và bây giờ là những người Afganistan vô tội. Sao không giải quyết những đau thương  bằng lòng nhân ái và hoà bình?

Trong tác phẩm trình diễn của mình Tell Me Your Story (Hãy kể cho tôi nghe câu chuyện của bạn), nữ họa sĩ người Indonesia Arahmaiani nổi tiếng, đã từng theo đuổi Performance Art mấy chục năm trời, đã viết lên những mẩu giấy trắng những dòng chữ: Happy (hạnh phúc), Worry (lo lắng), Suffer (Đau khổ), Innocence (vô tội)… trong tiếng nhạc truyền thống của người Hồi giáo, và chị lần lượt yêu cầu khán giả Mỹ cầm cây viết dạ viết lên trên thân thể của chị câu chuyện của họ. Và khán giả đã viết: Love (tình yêu), Sacrifice (hy sinh), Scare (sợ hãi)…

Trong ánh đèn vàng đầy ấn tượng và bộ vest trắng tinh trang trọng, họa sĩ Chumpon từ từ đưa ra một bàn tay cầm quả táo đỏ tươi đặt lên trên một chiếc ghế trải nhung đen, rồi tay kia từ từ đưa ra một hình nhân bằng nhựa có dáng vẻ một vị tổng thống Mỹ đặt lên trên chiếc ghế trải nhung đỏ. Ông dùng băng dính làm thành một chiếc cầu nối hai chiếc ghế với nhau, rồi đính lên trên đó một hình nhựa mặt người ngộ nghĩnh. Rồi ông dùng kéo cắt rời băng dính khiến hình nhựa mặt người treo lủng lẳng chơi vơi. Tiếp đó, ông giương cao một thanh kiếm bằng nhựa rồi đột nhiên vụt rút thanh kiếm ra khỏi vỏ, khiến bọt bong bóng xà phòng văng tứ tung. Một minh chứng cho sự mơ hồ và phù phiếm của quyền lực.

Hong O-Bong – họa sĩ đầu tiên đưa performance art vào giảng dạy tại trường Mỹ thuật của Hàn Quốc cho sinh viên và cho cả thiếu nhi – thì làm một tác phẩm về sự hồi sinh của một con chim bị chết bằng tiếng kèn thảm thiết, và những vụn hoa giấy đầy màu sắc rải lên khắp mình một khán giả được mời lên nằm trên sân khấu trong lớp vỏ bọc hình chim được vẽ bằng son môi đỏ.

Seiji Shimoda – giám đốc của Nipaf và là người đồng tổ chức liên hoan nghệ thuật lần này – với tác phẩm We are eating something from the Earth bằng các dáng điệu đầy cách điệu của cơ thể và tiếng  nhạc khi dìu dặt lúc rộn rã,  diễn tả sự khó khăn để vươn tới hương thơm và sắc đẹp của hoa hồng trong cuộc sống, sự khó khăn để dịch chuyển trong trạng thái cân bằng của con người với tất cả những vật dụng rườm rà rắc rối chung quanh. Aye Ko – họa sĩ người Myanmar – tự thắp đầy sân khấu những chén nến lung linh huyền ảo, rồi trong những tư thế đặc biệt, anh dùng băng vải quấn quanh mình quanh mặt. Và bất thần anh lăn mình lên những lửa nến đó trong tiếng la đau đớn. Phải chăng anh muốn nói lên sự tự đày đọa mình của con người. Vết thương chưa lành mà đã cuốn mình vào những đau thương mới,

Tôi, với hai tác phẩm trong hai đêm 19, 20 tháng 10 “Nước” và “Mâm, đã sử dụng sự thay đổi của không gian ánh sáng, tiếng động lúc dịu dàng lúc dồn dập mãnh liệt của guốc gỗ, sự hiền hoà trật tự rồi xốn xáo dữ dội của đũa tre, sự sóng sánh, mềm mà quyết liệt của nước, vòng tròn và ánh sáng của mâm,  và những bố cục người biến động – chính là những khán giả Mỹ mà tôi mời lên trên sân khấu – để diễn tả vẻ đẹp, sự hy sinh và khao khát được thể hiện mình của người phụ nữ Việt Nam và người Việt Nam. Chính vẻ lúng túng của người Mỹ được tôi mời lên đứng trong những tư thế cách điệu đã làm nổi bật ý nghĩa tác phẩm của tôi. Tôi muốn họ hiểu thế nào là cuộc sống của những người phụ nữ châu Á trong một bố cục tranh chuyển động hoành tráng trong không gian.

Liên hoan đã kết thúc trong niềm vui và sự thành công. Cảm giác đầu tiên của tôi khi đặt chân đến New York là gió. Gió lùa mát lạnh, nồng nàn và da diết, như muốn thổi hồn New York vào từng làn da thớ thịt. Đã đến lúc chúng tôi phải chia tay với làn gió đó. Bỗng nhiên trong đầu óc tôi hiện ra những làn gió cuốn tung bụi cát rát bỏng trên mảnh đất Afganistan mà tôi vẫn nhìn thấy trên truyền hình mỗi đêm.

Ly Hoàng Ly – 10/2001

(đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật)