
“… Giữa không gian trưng bày, sừng sững một cấu trúc mang tinh thần tượng đài, với thiết kế tối giản và chủ ý đậm chất thơ. Được cấu thành từ 12 khối thép có thiết kế tinh vi, tổng trọng lượng 21 tấn, điêu khắc mở đường cho ta bước vào ‘những thế giới lưng chừng’ của ‘0395A.ĐC’; kết nối ta với quá khứ và hiện tại, với cái được-ghi-nhớ và cái bị-lãng-quên, với điều ta tỏ tường và điều ta chưa biết. Các bề mặt toả sáng của khối thép phản chiếu hình ảnh và âm thanh từ những tác phẩm cấu thành có phương tiện vật liệu khác: ở đây, hai sắp đặt đa chất liệu báo hiệu nguy cơ đánh mất kết nối với lịch sử; ở kia, chuỗi điêu khắc kèm chùm tranh dẫn dụ đến sức mạnh của sự trùng hiện và sự hồi tưởng.
… Xuyên suốt triển lãm, một số yếu tố thị giác đặc biệt – chẳng hạn như hình ảnh con thuyền, ngôi nhà và nước – được điệp lại (làm rõ); phóng lớn (nâng tầm quan trọng), rồi thu nhỏ (hạ tầm); trong khi các yếu tố khác – như tên người, địa danh và quốc gia – lại được đặt ở những vị trí khuất tầm mắt (làm mờ) hay hoàn toàn bị che phủ (ẩn giấu đi). Tính chất đứt gãy, thậm chí có phần bạo lực, của các cặp hành vi phóng lớn/thu nhỏ, cường điệu/giảm nhẹ, gạch bỏ/chú trọng, hình dung thứ chưa-được-thấy/giải-thị-hiện [de-visualizing] thứ không-thể-nhìn-thấy, trở thành cơ chế giúp ta định vị và di chuyển trong ‘0395A.ĐC’. Ly Hoàng Ly tháo gỡ mối ràng của các yếu tố thị giác, ẩn mờ những gì không-được-biết, sau đó lại lật tỏ chính những che, trốn của mình. Sắc bén bình luận cách thức mà lịch sử được ghi nhớ và lưu hành, cô tháo dỡ nó, lộn trái nó, buộc nó đối diện chính mình.”
trích ‘0395A.ĐC – Một phản chiếu từ góc nhìn giám tuyển’
Bill Nguyễn