Nữ hoạ sĩ và nghệ thuật sắp đặt

 

Janine Antonie – Lick and Lather – liếm và tắm

 

Nên hiểu thế nào về Nghệ thuật sắp đặt?

Cách đây chưa lâu, có người gọi “Installation Art” là “nghệ thuật bài trí”, có thể khiến không ít người lầm nó với cách sắp xếp đồ vật sao cho đẹp mắt, giống như trang trí. Đúng ra, phải hiểu nó trước hết là một loại hình thuộc “nghệ thuật khái niệm” (conceptual arts) ra đời và phát triển từ giữa thế kỷ 20. Nghệ thuật Khái niệm là nghệ thuật mà ở đó các khái niệm hoặc quan điểm có liên đới đến tác phẩm chiếm ưu tiên so với mối quan tâm về vật liệu và nguyên tắc thẩm mỹ truyền thống. Nhiều tác phẩm của họa sỹ Sol LeWitt có thể được dựng bởi bất kỳ người nào chỉ đơn giản bằng cách làm theo một bộ hướng dẫn do ông viết. Phương pháp này là nguyên tắc cơ bản của LeWitt để định nghĩa Nghệ thuật Khái niệm: “Trong nghệ thuật khái niệm, quan điểm hay khái niệm là khía cạnh quan trọng nhất của tác phẩm. Khi người nghệ sỹ sử dụng hình thức khái niệm niệm về nghệ thuật, có nghĩa là mọi kế hoạch và quyết định được làm từ trước, và sự thực hiện tác phẩm là một việc làm chiếu lệ. Tư tưởng trở thành cỗ máy sản sinh ra nghệ thuật”.

Trích dẫn này làm nổi bật sự khác biệt then chốt giữa một tác phẩm installation theo lý thuyết khái niệm và một tác phẩm nghệ thuật truyền thống, ở chỗ tác phẩm theo lý thuyết khái niệm đòi hỏi rất ít hoặc không cần sự khéo léo trong việc thực hiện tác phẩm, trong khi nghệ thuật truyền thống được phân biệt bởi việc đòi hỏi các kỹ năng và tạo ra các lựa chọn thẩm mỹ.

Nghệ thuật sắp đặt  sử dụng những vật liệu của điêu khắc và những phương tiện khác để làm biến đổi cách thức chúng ta trải nghiệm một không gian cụ thể. Nghệ thuật sắp đặt không nhất thiết bị giới hạn vào không gian của các gallery và có thể là bất kỳ sự can thiệp về chất liệu nào vào các không gian thường ngày, cả không gian riêng tư lẫn công cộng.

Nghệ thuật sắp đặt kết hợp hầu hết mọi phương tiện để tạo ra một trải nghiệm trong một môi trường cụ thể. Các chất liệu được sử dụng trong tác phẩm sắp đặt đương đại rất đa dạng, từ các vật liệu hàng ngày, có trong thiên nhiên, đến các phương tiện kỹ thuật mới như video, âm thanh, trình diễn, computer và internet. Một số tác phẩm sắp đặt được đặt ở không gian dành riêng cho nó, nghĩa là chúng được thiết kế chỉ để tồn tại đúng trong không gian mà chúng được sáng tạo.

 

Một số tác giả nữ làm nghệ thuật sắp đặt trên thế giới

Nữ họa sỹ Ann Hamilton (1956), Mỹ, đã làm một tác phẩm sắp đặt kết hợp với trình diễn cực kỳ ấn tượng và gây xúc động mạnh, mang tên: “Indigo Blue”, (Xanh chàm). Trong nhiều năm, bà thu thập quần áo màu xanh chàm sờn cũ của công nhân nhà máy, đem về phòng triển lãm và chất thành một đống cao như quả đồi, từng lớp quần áo bên trên chồng lên lớp quần áo bên dưới một cách rất trật tự, ngăn nắp. Sự gọn ghẽ, phẳng phiu của quần áo bạc màu – gợi hình ảnh cuộc sống lao động cực nhọc đều đều đầy cam chịu – tương phản mạnh mẽ với kích thước đồ sộ, trọng lượng của tác phẩm, cùng mùi mồ hôi của hàng nghìn công nhân bám trên quần áo. Nhìn tác phẩm sắp đặt này, người thưởng lãm lập tức có thể hình dung được cuộc sống lao động cực nhọc đều đặn của những người lao động, thấy được độ nặng của những giọt mồ hôi bao năm tháng tích tụ trên quần áo. Tác phẩm chưa dừng ở đó. Đi một vòng quanh “đồi áo quần xanh chàm” đó, ta sẽ bắt gặp một người đàn ông mặc quần áo phẳng phiu, ngồi trên một chiếc ghế trước đống quần áo, cặm cụi làm gì đó với quyển sách cũ đặt trên chiếc bàn trước mặt. Thì ra ông ta đang đọc sách, đọc xong đọan nào ông ta lấy dao lam cạo hết chữ in trên giấy, những trang giấy trở nên trắng bệch, trầy xước. Tiếng cạo chữ xạt xạt làm ta nổi da gà. Màn trình diễn của người đàn ông làm cho ý tứ tác phẩm như mưng tấy lên, như xát muối vào vết thương khi nghĩ đến sự vắt kiệt sức lao động người khác, khiến ta xót xa và phẫn nộ.

Các tác phẩm của nữ họa sỹ Janine Antoni (sinh 1964), người Bahamas, lại chú trọng ở tiến trình thực hiện tác phẩm. Bà thường dùng các phần khác nhau của chính thân thể mình như môi, lông mi, tóc và trí não (cụ thể là các điện tâm đồ của chính bà) để làm công cụ và cùng với chúng trình diễn các sinh hoạt thường ngày để tạo nên tác phẩm.

Một cấu thành quan trọng khác trong các tác phẩm của Antoni là khả năng giao tiếp trực tiếp của bà với những người đi xem bảo tàng. Ví dụ như trong tác phẩm sắp đặt “Lick and Lather” (Liếm và Tắm) năm 1993, gồm các tượng bán thân của chính bà: 7 tượng bằng xà phòng và 7 tượng bằng sô cô la, mỗi cái có kích thước 24x16x13 inch, tức khoảng 70x 41×33 cm.

Qua tác phẩm này, bà muốn làm công việc tự họa chân dung theo cách truyền thống, mà cụ thể là làm tượng bán thân theo cách cổ điển. Nhưng bà lại có ý tưởng làm mô hình về chính mình bằng sô cô la và bằng xà phòng, và rồi bà liếm láp để nhấm nháp tượng sô-cô-la của chính mình, rồi lấy chính tượng mình bằng xà bông tắm rửa cho mình. Cả hai việc: liếm và tắm đều là những hành động đầy dịu dàng và âu yếm, nhưng điều thú vị là trong suốt tiến trình đó, bà từ từ tẩy xoá chính mình. Bà nói: “Vì thế với tôi, điều đó nói lên sự xung đột, về mối quan hệ yêu/ghét mà chúng ta có với vẻ ngoài cơ thể chúng ta, và là vấn đề của tôi khi nhìn vào trong gương và nghĩ: “Đó là ta sao?””. Các tượng bán thân bằng xà phòng và sô-cô-la bị mòn do bị chính nữ họa sỹ này  “ăn” và “tắm” sau đó được trưng bày trong bảo tàng. Ý niệm được đặt ra: Người phụ nữ khi quá yêu chính mình, nghĩa là họ cũng đang gặm nhấm, ăn mòn chính mình.

 

Nữ hoạ sĩ Việt Nam và nghệ thuật sắp đặt

Nghệ thuật sắp đặt bắt đầu nổi trội tại phương Tây vào những năm 70, còn ở Việt nam, các triển lãm sắp đặt đầu tiên xuất hiện vào những năm 1990, trong đó đa số là tác phẩm của các nam họa sỹ, số lượng họa sỹ nữ làm tác phẩm sắp đặt rất ít. Có lẽ nữ họa sỹ lớn tuổi nhất thích thú với loại hình nghệ thuật này là Đặng Thị Khuê. Bà làm sắp đặt với guốc gỗ, vải thổ cẩm. Bản thân tôi bắt đầu có tác phẩm sắp đặt quy mô vào năm 2000. Tác phẩm mang tên “Tháp mâm” (cao 4m, đường kính 8m) được làm từ 400 chiếc mâm nhôm, kết hợp với tác phẩm performance art “Mâm” tại Làng Du lịch Bình Quới. Nguyễn Trinh Lê cũng làm một số tác phẩm sắp đặt với sơn mài. Nguyễn thị Châu Giang cũng làm vài tác phẩm sắp đặt, trước khi chuyên tâm trở lại với tranh sơn dầu. Nhưng mấy năm gần đây, sắp đặt đã trở thành một trào lưu lôi cuốn không ít tác giả nữ trẻ. Ở TP HCM, có thể kể một số nguời như Hiền Minh, Nguyễn Thuý Hằng, Nguyễn Kim Hoàng… Riêng Kim Hoàng còn mở Himoko Salon, một quán cà phê kiêm không gian phá cách, là nơi để các họa sỹ trẻ, các đồng nghiệp của cô và chính cô được tung tẩy mọi thể nghiệm mới cho đủ thể loại, trong đó có nghệ thuật sắp đặt. Tiffany Chung – một họa sỹ Việt kiều sinh sống tại Sài gòn, cũng có những tác phẩm sắp đặt rất độc đáo, nói về cảm quan của chị về cuộc sống đô thị.

Xin điểm một số tác phẩm sắp đặt của các họa sỹ nữ trong Festival Mỹ thuật trẻ 2007 về nghệ thuật đương đại, tại đại học Mỹ thuật Yết Kiêu, Hà Nội.

Lại Thị Diệu Hà (Hà Nội) bày tác phẩm sắp đặt video về đề tài “Mẹ và con gái”. Cô đặt một thùng oval bằng gỗ, trong chứa nước. Nước chạy theo ống dẫn tưới lên một tấm màn the màu trắng rũ xuống giữa thùng nước, thành một vòng tuần hoàn nước từ màn the chảy xuống thùng. Một máy chiếu (projector) chiếu cảnh hai mẹ con thay phiên chải tóc cho nhau lên tấm màn nước. Tác phẩm vừa gợi sự tuần hoàn của tình mẫu tử, từ thế hệ này đến thế hệ khác, vừa nâng niu suối tóc dài óng mượt của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Cả tác phẩm như cách kể một câu chuyện có vẻ như rất xưa cũ, nhưng lại bền bỉ như nước.

Nguyễn Thị Thanh Mai (Huế) dùng đất sét, vỏ trứng và cây gai để thực hiện tác phẩm “Mong manh”. Một tảng đất sét được cán dẹp vứt trên nền nhà, trên cắm đầy gai nhọn, giữa đống đất sét và gai là đôi ba vỏ trứng đã vỡ. Trên mảng tường gần đó, mô típ đất sét và gai được nhắc lại, với diện tích nhỏ hơn, tạo không gian ba chiều. Ý tưởng ở đây quá rõ ràng. Gai, vỏ trứng mỏng. Có hai chiều suy nghĩ. Sinh vật nở ra từ những vỏ trứng đó có bước qua nổi đầm gai dày đặc xung quanh? Hoặc ngược lại: Người ta có đủ dũng cảm, bản lĩnh, và có thích bước vào đầm gai, chỉ để chạm vào được vật thể trắng tinh khiết mong manh kia? Cũng dùng vỏ trứng để làm chất liệu chủ đạo cho tác phẩm của mình là Nguyễn thị Thanh Trúc (Hà Nội). Tác phẩm “Biến đổi” của cô bao gồm nhiều vỏ trứng gà, vịt rỗng, vỡ đôi với hai sắc trắng, vàng xen lẫn, tạo thành một quầng tròn trên nền đất, mảng dày mảng thưa. Người xem có thể thấy ngay được sự biến đổi giữa hình ảnh những quả trứng tròn đặc, với những vỏ rỗng vụn này, đồng thời chắc sẽ hình dung ngay đến cái thứ đã từng nằm trong quả trứng nguyên vẹn, không biết giờ nó đã đi đâu, biến đổi ra sao? Sắp đặt “Không đề” của Nguyễn Phương Linh (Hà Nội) vừa mang tính trừu tượng về ý niệm, lại vừa biểu hiện mạnh mẽ về cách tạo hình, là một trong những tác phẩm tôi thích nhất. Tác phẩm của cô là sự kết hợp giữa đồ họa và sắp đặt. Trên tường, cô dán khoảng 6 bức vẽ nét bút bi ngoằn nghèo tạo thành những khối lớn rối rắm. Trên nền đất trước 6 bức họa đó, cô dùng hàng chục cuộn băng keo trong, kéo dài ra, kéo tới đâu lại cho ngoằng ngoằng vào nhau tới đó, và chồng lên nhau, để cuối cùng có được một khối băng keo to. Ở tác phẩm này, theo tôi tiến trình ngoằng ngoằng các dải băng keo vào nhau của nữ họa sỹ mới là phần thú vị nhất và quan trọng nhất của tác phẩm (tiến trình tạo ra tác phẩm sắp đặt). Nó như vừa là sự minh họa “cách điệu” cái quá trình nữ họa sỹ đã ngoằng ngoằng viết mực để tạo nên những hình khối của 6 bức tranh trên tường, vừa diễn tả rất rõ: có những “ngọn núi”, những “khối to” không được chất hay xây bằng đá gạch chắc chắn, mà chỉ là sự kết nối chồng chất của những thứ trong suốt mong manh nhưng “có thể kết dính”. Ngọn núi này rất nhẹ và hổng, nhưng thử đụng vào xem, ta sẽ bị dính hay ngã dúi vào đó luôn. Nguyễn Kim Hoàng (thành phố Hồ Chí Minh) quây cho mình một không gian độc lập để thể hiện tác phẩm “Butoh”. Đó là những hình ảnh mà cô chụp được về các động tác, trạng thái, phần thân thể khác nhau của một nghệ sỹ múa Butoh Nhật Bản, khi anh ta đang trình diễn điệu vũ này. Toàn bộ hình ảnh được phóng lên nhiều tấm vải nhựa to, trải trên nền đất, dán trên bốn bức vách, trên trần lộn xộn. Có tấm hình sau khi được phóng, lại được điểm thêm nhiều dấu tay, chân. Màu chủ đạo là đen, đỏ, vàng. Điều đặc biệt ở tác phẩm này, là những bức hình cô chụp ngẫu nhiên lại vẽ ra chân dung một quái nhân với những hốc mắt, quầng tối, hình dạng từng chiếc xương sườn. Người vũ công khổ hạnh qua ống kính của cô đột nhiên biến thành biểu tượng của cái ác, của “tà ma”. Cô chỉ đưa ra vấn đề, và để ngỏ kết luận cho người thưởng lãm bằng cách kêu gọi người xem tự viết những cảm nghĩ của riêng họ lên những mẩu giấy đủ màu sắc, rồi đính trên bất kỳ chỗ nào họ thích trong không gian sắp đặt của cô. Phan thị Thảo Nguyên (Thành phố Hồ Chí Minh) gây cho tôi ấn tượng mạnh nhất với tác phẩm “Tạp dề”. Để làm ra tác phẩm này, cô đã vượt qua bản tính rụt rè nhút nhát của mình để đến các lò mổ lợn, quan sát công việc giết mổ đầy máu me cùng tiếng rống thống thiết của những sinh vật bị giết để làm thịt. Sau những buổi ghi chép bằng hình và bằng chính cảm xúc được tích tụ từng ngày của mình, Thảo Nguyên đã làm ra một tác phẩm sắp đặt bằng chính những lát thịt nạc thăn lợn thường bán ngoài chợ. Cô miệt mài dùng chỉ khâu các lát thịt lại thành hình một tạp dề có kích thước bằng với kích thước các tạp dề vải thường thấy, dùng phoóc-môn và cồn ướp lên để giữ thịt tươi nhiều ngày, và đem đặt trên một mặt bàn kính, trưng trong phòng triển lãm. Cô chọn một vài bức hình tiêu biểu về chân dung người giết mổ và sinh vật bị giết mổ, treo lên tường, và một chiếc ghế bên cạnh bàn để cuốn album về những hình cô đã chụp trong quá trình đi thăm lò mổ lợn: những nền đất máu đọng thành vũng, những người mổ lợn mình đeo tạp dề, tay chân mặt mũi dính đầy máu lợn, nét mặt khắc khổ nhưng tươi cười rất hồn nhiên trước ống kính của Thảo Nguyên, và những tảng thịt lợn lớn, tươi rói… Tác phẩm này của Thảo Nguyên là kết quả của trí tuệ và xúc cảm được đẩy đến đỉnh điểm. Nụ cười đầy máu vừa ghi nhận sự dã man của loài người, khi tồn tại trên cái chết của sinh vật khác, vừa ghi nhận sự hồn nhiên và từng trải của những con người đang tích tụ “sự thất đức” của mình, để ghi một cái “đức lớn” khác: đó là góp công sức nhỏ bé của mình vào cái trong quy trình làm ra thức ăn nuôi sống đồng loại. Chất lãng mạn trong cách liên tưởng (giữa tạp dề vải và tạp dề thịt) vừa như tô điểm, lại vừa đối nghịch với chất liệu sống, với hiện thực đỏ rói rần rật. Theo tôi, tiến trình thực hiện tác phẩm “Tạp dề” của Thảo nguyên chính là phần giá trị nhất của tác phẩm. Giá như Thảo Nguyên quay lại những thước phim khi cô đi thực tế, khi cô khâu tạp dề thịt, để ít nhiều, người thưởng lãm có thể cùng cô nhập vào khoảng không gian đặc biệt đó của tác phẩm bằng cách thức riêng của họ, nếu muốn.

Cũng xin kể một tác phẩm sắp đặt kết hợp với trình diễn của tôi, được thực hiện tại New York năm 2005, nhưng chưa có dịp triển lãm tại Việt Nam. Tác phẩm mang tên: “Máu và Hoa” được làm từ chất liệu băng vệ sinh phụ nữ. Trước hết, tôi dùng màu sơn đỏ tươi rói để quét lên bức tường rộng, sau đó dán những “băng vệ sinh có cánh” lên tường, đều đặn cái này nối cái kia. Khi hoàn thành, lập tức bức tường như được dán giấy dán tường có hoa văn rất ấn tượng. Tôi ấp ủ sẽ xây một bức “trường thành” băng vệ sinh tuyệt đẹp như thế trong tương lai gần, để tôn vinh những người phụ nữ và máu huyết của họ – là thứ nói lên giới tính nữ, và chức năng sinh sản thiêng liêng của họ. Tôi cũng không bỏ phí những vỏ băng vệ sinh màu hồng, mà đem cắt chúng ra thành những mảnh li ti như cánh hoa đào hồng thắm, bỏ vào hộp băng video trong suốt, làm thành tác phẩm sắp đặt: “Nở hoa”, với ý tưởng chủ đạo là muốn lưu giữ những thước phim về vẻ đẹp mong manh, tươi thắm vĩnh cửu của người phụ nữ. Hiện nay sắp đặt “Nở hoa” đang đi một vòng ở các thành phố của Mỹ cho đến năm 2009, trong cuộc triển lãm của  10 họa sỹ nữ đương đại Việt nam mang tên “Changing Identity” (Căn cước thay đổi) do nhà nghiên cứu mỹ thuật, Tiến sỹ Nora Taylor làm giám tuyển (curator).

Nghệ thuật sắp đặt tại Việt Nam vẫn chưa được phổ biến rộng rãi đến đại chúng, vẫn chỉ quẩn quanh trong giới sáng tác mỹ thuật, và chưa được đặt chân vào bảo tàng Mỹ thuật, như ở các nước phương Tây và một số nước châu Á khác. Có vẻ như nó vẫn là một dòng chảy phụ bên những dòng chảy ồ ạt khác của mỹ thuật, nhưng các nữ họa sỹ Việt Nam trung thành với nghệ thuật sắp đặt vẫn đang thầm lặng nung nấu ý tưởng cho những tác phẩm mới, bằng mọi nỗ lực của mình. Tuy nhiên, đầu năm 2007, tác phẩm “Tháp Mâm” của người viết bài này đã được dựng ngay trước mặt Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (TPHCM) trong hai tháng. Lần đầu tiên một tác phẩm sắp đặt được chấp nhận ở một cơ sở văn hoá lớn như thế, là điều khích lệ đáng kể đối với các nghệ sĩ thực hành nghệ thuật sắp đặt Việt nam.

3.2008

Ly Hoàng Ly