NIPAF – Ngôi nhà về mỹ thuật trình diễn tại Nhật Bản

Bầu trời Tokyo rực rỡ ánh nắng tháng bảy. Mùa hè luôn là thời điểm tốt nhất cho những kỳ nghỉ thú vị và cho những chương trình festival. Có lẽ mà vì thế mà tổ chức Nipaf (Nippon International Performance Art Festival) luôn chọn mùa hè để tổ chức các liên hoan nghệ thuật trình diễn châu Á của mình. Chúng tôi (Hoàng Ly và Ngô Thái Uyên) rất hân hạnh được mời tham dự vào festival lần thứ 7 này của tổ chức Nipaf. Chương trình sẽ được diễn ra tại năm thành phố của Nhật Bản cùng cuộc Hội Thảo Mùa Hè trên rừng Nagano bao gồm 16 họa sĩ từ Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Ma Cao, Phillipin, Myanmar, Mexico, Pháp, Úc, và rất nhiều họa sĩ Nhật và sinh viên từ các trường đại học mỹ thuật của Nhật. Tất cả các họa sỹ tập trung tại một khách sạn nhỏ ở trung tâm Tokyo, bắt tay làm quen lúc ban đầu để rồi sau đó sẽ cùng nhau cuộc hành trình nghệ sĩ ba lô đầy gian khổ qua năm thành phố của Nhật với chỉ vỏn vẹn 18 ngày. Giờ làm việc luôn bắt đầu lúc chín giờ sáng mỗi ngày và kết thúc vào hai giờ sáng hôm sau. Chín giờ sáng, chúng tôi bắt xe điện ngầm đi đến những nhà hát nhỏ dành cho performance art để nghiên cứu vị trí địa điểm, thảo luận, và tập dợt cho buổi trình diễn tối hôm đó. Mỗi một đêm khoảng 10 tiết mục của 10 họa sĩ kéo dài từ bảy giờ tới hơn mười một giờ. Khán giả vỏn vẹn vài chục người, đa số là sinh viên, họa sĩ, giám đốc các tổ chức nghệ thuật đương đại và các bảo tàng mỹ thuật đương đại. Sân khấu nhỏ, khán giả ít nhưng trang thiết bị cho sân khấu, cách thức làm việc và tổ chức của những họa sĩ ở đây rất chuyên nghiệp. Có vẻ như ngay tại Nhật, performance art cũng không được phổ biến rộng rãi đến công chúng. Chúng tôi tham quan một số bảo tàng và gallery mỹ thuật đương đại ở đây, đều thấy rất nhiều sách và tạp chí chuyên ngành về nghệ thuật performance art, body art, happening art. Rất nhiều băng video về nghệ thuật trình diễn được bày bán. Có những phòng riêng biệt chuyên chiếu những tác phẩm performance art của một số nghệ sĩ nổi tiếng mà đã từng là khách mời của họ từ những năm trước. Bảo tàng rất đẹp, qui mô và đồ sộ, nhưng cũng như tình hình chung của nền mỹ thuật đương đại ở một số nước: rất ít người đến xem. 16 họa sĩ chúng tôi chỉ lưu lại ở mỗi thành phố nhiều nhất là ba ngày, nhưng đến thành phố nào chúng tôi cũng tranh thủ thời gian sít sao của mình để tự mò bản đồ subway đi đến những bảo tàng lớn nhất của thành phố đó. Thật sự hạnh phúc khi được chiêm ngưỡng tận mắt những tác phẩm nghệ thuật của những họa sĩ khắp nơi trên thế giới, từ các tác phẩm hội họa, điêu khắc, đến installation, mix media art và performance art. Nó tạo cho bạn một cảm giác choáng ngợp trước những tính cách nghệ thuật phong phú bằng xương bằng thịt xung quanh bạn, cái cảm giác xúc động run rẩy đến nín thở mà bạn không bao giờ có được nếu chỉ xem qua sách báo.

Trở lại với chương trình Nipaf, sau ba buổi trình diễn tại Kagurazaka, DIE PLATZE, Tokyo, chúng tôi lên xe lửa tới Nagoya và tiếp tục làm việc tại đó ba ngày, tiếp đến là hai ngày ở Osaka, hai ngày ở Kyoto, và bảy ngày ở Nagano. Những người đón tiếp chúng tôi nồng nhiệt nhất và sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi trong mọi chuẩn bị cần thiết cho chương trình biểu diễn chính là sinh viên và giáo sư của các trường đại học mỹ thuật tại các thành phố mà chúng tôi đến. Theo như ông Seiji Shimoda cho biết, thì thậm chí các sinh viên này còn đóng góp một số tiền nhỏ của mình (nhỏ đối với họ, nhưng không phải là nhỏ đối với một số nước ở châu Á) vào quĩ của tổ chức Nipaf để trang trải cho chi phí mời các họa sĩ từ nước ngoài đến tham dự festival này. Đối với họ, được gặp gỡ, thảo luận và làm việc, giúp đỡ các họa sĩ nước ngoài cho các tác phẩm performance art là một việc rất quí báu cho vốn sống và kinh nghiệm nghệ thuật của họ. Họ đã cùng chúng tôi tham dự cuộc hội thảo trong ba ngày về performance art và tình hình mỹ thuật đương đại của những nước có thành viên tham gia festival này tại một ngôi nhà gỗ truyền thống Nhật Bản đầy ấm cúng trên khu rừng Nagano đầy sương và nồng nàn hương hoa dại. Đó cũng là ba ngày cuối cùng của festival. Sau một chặng đường di chuyển và trình diễn mệt mỏi dưới cái nóng 37 độ của mùa hè Nhật Bản, với thời gian biểu làm việc chóng mặt, giờ đây tất cả chúng tôi cảm thấy vô cùng thư thái và gần gũi hơn khi cùng nhau nấu nướng, ăn uống, trò chuyện, bình luận, thậm chí cãi nhau về quan điểm nghệ thuật của mỗi người, về diễn tiến nghệ thuật trên thế giới trong thời gian gần đây… Nhưng bao trùm bầu không khí sôi nổi của hội thảo vẫn luôn là không khí trong lành và mát lạnh của núi rừng. Ban ngày là hội thảo nghiêm túc, còn ban đêm là những câu chuyện vui vẻ bên  chén trà xanh bốc khói, bên ly rượu vang sóng sánh, trong nền nhạc flamenco đầy trữ tình và hoang dại. Một sinh viên nhật bản thốt lên: “Bấy nhiêu họa sĩ các nước trong cùng một bàn ăn. Thật là khó tin!”.

Trong khu rừng đêm buốt lạnh và đen thẫm, có một ngôi nhà gỗ thắp đèn vàng suốt đêm và rộn rã tiếng cười. Những người trong ngôi nhà gỗ đó nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh, bằng các động tác ra dấu, bằng các hình ảnh trên giấy, và bằng tình yêu nghệ thuật… Rất nhiều nước trên thế giới trong cùng một ngôi nhà nghệ thuật đơn sơ giản dị: đó chính là điều mà Nipaf – một tổ chức mỹ thuật trình diễn không chỉ nổi tiếng nhất ở Nhật hiện nay, mà còn nổi tiếng ở một số nước trên thế giới như Myanmar, Trung Quốc, Ba lan, Pháp… – theo đuổi và cố gắng duy trì bảy năm nay dù không một lợi nhuận, dù vô cùng vất vả để xin kinh phí từ các quĩ tài trợ của chính phủ. Và, cho đến nay, đã có gần hai trăm hoạ sĩ từ khắp nơi trên thế giới đã ghé qua ngôi nhà này…

11.8.2002
Ly Hoàng Ly