Bùi Tiến Tuấn: Hành trình khởi Phù Phiếm NÀNG tới Tâm cảm Cô Tuyệt

[+ Link: Tạp Chí Mỹ thuật số 303 & 304]

 

Chín muồi hay tơ non. Liêu trai

Khi xem một bức tranh đã hoàn thiện, ít ai có điều kiện được biết bức tranh đó được phát triển từ ký hoạ hay phác thảo nào. Hoặc khi xem phác thảo hay ký hoạ, người ta thường sẽ hồi hộp hình dung không biết khi phát triển lên tranh, cái tinh thần bộc khởi của bản ký hoạ hay phác thảo nhỏ có còn nguyên hay không.

Bùi Tiến Tuấn có khả năng khiến phần lớn những bức tranh lụa đã hoàn chỉnh còn nguyên cái thần thái khai sơ căng mẩy của những ký hoạ. Làm ta bật ra sự phỏng đoán thắc mắc về chín muồi hay tơ non, hay cả hai. Nét cọ điêu luyện của Tuấn trên lụa gợi nhớ các ký hoạ vũ công của Edgar Degas, đến cách “nói” bằng khoảng trống của giấy, và độ chính xác trác tuyệt ở từng luồng nét của danh hoạ. Tuy nhiên, các ký hoạ của Edgar Degas đúng nghĩa ký hoạ về những vũ công ba-lê căng giãn cơ thể chân tay, cho trước, trong và sau buổi tập múa, nghiên cứu những động tác khó. Còn tranh lụa của Tuấn lại là những căng giãn cơ thể của những Nàng với sự cách điệu thậm xưng tinh quái, nở ra thu vào, rướn và co, thoạt nhìn như muốn xé ngang xé dọc xé rách một góc tranh, kháng cự cái hoàn hảo tẻ nhạt trong nỗi ám ảnh của khoảng trống. Nhưng nhìn thêm lần nữa, chợt không thấy Nàng đâu cả, chỉ thấy bức lụa sũng những mảng u hoài. Những căng giãn-ngớn ngả-trêu ngươi kia như chỉ tồn tại trong hoang tưởng của người xem. Liêu trai.

 

Yêu và truy sát

Mỗi khi nhìn tranh của Tuấn, tôi luôn nhớ đến những giọt mồ hôi rịn đẫm trên gương mặt anh khi anh tập trung trước tấm lụa trong hay trước tấm giấy dó mỏng. Bản thân tấm lụa trắng và tấm giấy dó mộc đã quá thuần khiết quá đẹp, sao có thể đường đột với Nàng. Phải thành kính, nâng niu, chậm rãi, hít sâu, chạm vào từng thớ mong manh. Dường như Lụa và Giấy dó vừa là đối tượng là bản thể trong ngần mà hoạ sỹ Tuấn không ngừng si mê cả đời, vừa là cảnh chốn, là bãi cỏ rộng mênh mang, là bầu trời, là dòng sông thánh thiện để người hoạ sỹ dâng mình vào tận cùng cõi yêu, bật ra những đường nét cực dục. Tận cùng của những nét cực dục là khiết tâm, uy nghi tĩnh lặng. Để lướt được một nét tơ mảnh ấy trên lụa, là vận khí lực. Những đường nét có khí có hương. Cuộc yêu lụa ở Tuấn là cuộc yêu vô cùng chậm rãi từ tốn. Vừa yêu vừa ngắm kỹ lưỡng người yêu, vừa yêu vừa điểm trang, tắm rửa, chải tóc, xoa vuốt, vừa lắng nuốt từng cái nín thở, vừa hít vào sâu từng luồng thở ra. Những diễn tiến tinh tế từ tốn đó diễn ra trong thời gian của chỉ một lối cọ. Tuấn chưng cất và cô thời gian vào trong những giọt khoảnh khắc xuất thần, đồng thời điềm tĩnh cẩn trọng rải những giọt xuất thần đó lên lụa. Biết bao nhiêu lối cọ mới hiện một tấm tranh. Nhiều cuộc yêu mới sinh thành một hình hài.

Tôi liên tưởng đến tiểu thuyết “Mùi hương”. Nếu gã Jean-Baptiste Grenouille(*) kia cả đời tìm cách chưng cất thứ hương nước hoa tối thượng, tinh khiết nhất đê mê nhất bằng mùi hương của những thân thể trinh nữ mà hắn dày công tìm kiếm và truy sát, thì gã hoạ sỹ Bùi Tiến Tuấn không ngừng tạo tác thân thể những Nàng yêu kiều đê mê mơ màng khiết băng trên lụa, để kiếm tìm điều gì? Tuấn muốn “truy sát” điều gì?

 

Khoảng trống và những vệt khiết tâm sắc nhọn

Xem tranh Tuấn, tôi không khỏi nghĩ đến trò chơi: Nhìn vào một hình, rồi nhắm mắt lại xem thấy gì.

Dù Tuấn có phủ bao nhiêu sắc màu, hay phủ bao nhiêu lớp màu lên lụa lên giấy dó, bao chi tiết hoa văn tỉ mỉ, cái tôi nhìn thấy khi nhắm mắt lại, là những vệt sắc nhọn quanh quất bên những khoảng trống.

Những đầu ngón tay sắc như kim, khoé mắt khoé môi dao cứa, đầu cây gậy bi-da vung nhọn, mũi ngón chân vút, vệt lá, ngọn tóc tơ mảnh nhíu mi mắt. Dường như những sắc nhọn hiền lành vô hại nhưng kiêu vênh, mong níu mình trước chơi vơi. Những sắc nhọn lênh đênh. Cho dù những màu những mảng hình rất biết lựa thế, tự xếp mình rất ổn rất chặt, nhưng những sắc nhọn tiết ra từ tâm vẫn không tìm thấy điểm tựa. Rập rình một cõi tranh.

 

Bi-da và hạt sen.

Sự xuất hiện của những trái bi-da trong loạt tranh lụa mới của Tuấn lập tức làm tôi nhớ đến những hạt sen trắng thơm mà hơn hai mươi năm trước tôi thấy tung tẩy trong căn nhà xưa của ba mẹ anh ở Hội An, nơi anh sinh ra. Gia đình anh có truyền thống làm hạt sen từ thời ông Nội. Và trồng hoa. Đó có phải là lý do mà tranh lụa của Tuấn trước đây thường điểm hoa li ti, hay mơ màng những cánh hoa mềm mượt, và rồi giờ đây, ký ức tiềm thức làm anh bung ra tiếp những “hạt bi-da”?

Tôi đã từng tự hỏi những hoạ tiết hoa bướm điệu đà lắm lúc có vẻ như cố tình thừa thãi, là sự hồi tưởng ám ảnh không dứt về ký ức tuổi thơ sống cùng hoa của chàng hoạ sỹ sinh năm 1971, hay là để diễn tả nỗi thừa thãi ứ đọng, ứ đọng trong anh cho đến mức tứa ra thành nét thành hoa, như một hành vi kháng cự. Cách kháng cự quyết liệt của một tâm hồn lịch lãm, lãng mạn.

Và giờ đây, tôi lại tiếp tục tự hỏi mối liên hệ giữa viên tròn bi-da của tiêu khiển, và hạt sen tròn thơm tinh khiết trong ký ức riêng của tôi về Tuấn là gì? Những bi-da tròn, có phải khởi sinh của chúng là những hạt trong chuỗi tràng hạt, có phải là hạt sen trắng? Hạt sen tung tăng trên khoảng trống, đo khoảng trống, đo sự phù phiếm, đo nỗi day dứt. Hay những viên bi-da tung tẩy sẽ phá bung ranh giới bốn cạnh của bức tranh?

Các hình thể có tư thế rất cực đoan và mâu thuẫn: phá cách thách thức nhưng lại gò mình tận lực. Dây nhợ và tóc loã xoã và hoa văn không làm cảm giác rỗng bớt rỗng, mà còn khoắng nó sâu hơn. Lạc thú nhục cảm không tồn tại nơi những thân thể nõn trắng. Xác thịt lồ lộ không ngồn ngộn mà trống hoác.

Tôi thấy nỗi cô đơn cùng cực trong sự nổi loạn. Viền ngoài phóng túng nỗ lực khước từ nỗi đau thuần khiết.

Những hạt bi-da thơm hương hạt sen.

Nàng nhắm cây gậy vào bi-da, chỉ để nhắm thôi, hay thực muốn nó lăn? Và nếu lăn thì lăn về ngả nào? Hạt bi-da không bao giờ lăn, không bao giờ có ngả để rơi vào.

Trong một thoáng, tôi thấy những giọt mồ hôi của Tuấn biến hoá thành những đám-mây-nàng, tụ lại thành những hạt-sen-bi-da.

 

Bỏ lửng. Nghỉ ngơi. Hư không.

Bỗng nhớ lời Tô thức: “Nếu chỉ vì muốn làm thơ mà đặt bút làm thơ thì chắc chắn không phải là thi nhân vậy.”

Bởi thường nhắm mắt sau khi nhìn lụa của Tuấn, tôi nghĩ đến viễn cảnh, khi mình mở mắt ra, sẽ không còn hình hài nào trước mặt mình nữa cả, ngoài khoảng trống vô cực khiến môi tôi chợt bậm vào nhau, ngoài vài vệt khiết tâm sắc nhọn khẽ cứa khẽ víu lên khoảng vô cực, khiến mọi sự hiện hữu quanh tôi rùng mình, rung rinh, rồi trở về tĩnh tại. Tối giản đến độ đó, nghĩa là những thân thể trong tranh Tuấn đã tan vào miền tối thượng, tan vào thớ lụa và sớ giấy dó. Ngời.

Người hoạ sỹ đứng trước tấm lụa trong và chuẩn bị mình thật trong. Không để tâm tạp. Dọn mình. Sự giản đơn luôn khiến tôi phải e dè khi dám bước vào đó, chứ đừng nói đến dám cất lên những tiếng động, sợ rằng bất cứ lời khẽ khàng nào cũng sẽ phá vỡ trạng thái cô tuyệt của sự giản đơn. Tuấn có một vài bức lụa khiến tôi e dè không dám bước vào đó, ngại cất lời.

Có lẽ mọi nét và hình cầu kỳ kỹ lưỡng Tuấn cẩn thận chu đáo, rịn mồ hôi dọn ra cho lụa, cho Nàng của mình; mọi tư thế cỡn-động-mà-bất-lực, khiêu-khích-phù-phiếm-mà-khiết-băng, cuối cùng là để tìm kiếm và truy sát nỗi mong mỏi thống lên khát vọng “vô”, để toát dương cái tâm cảm “cô tuyệt” của người hoạ sỹ.

Tôi nhắm mắt, theo lối ma-mị-những-sợi-tơ-tóc, đi vào cõi mường tượng của riêng mình. Về Nàng. Về khoảng trống vô tận Nàng ngự. Về khoảng trống vô tận trong Nàng. Về mênh mang nguyên sơ khi Tuấn khởi Nàng.

 

Ly Hoàng Ly

Sài gòn 12/2017


(*) nhân vật chính trong tiểu thuyết “Mùi hương: Chuyện một kẻ sát nhân” (tiếng Đức: Das Parfum: Die Geschichte eines Mörders) của Patrick Süskind,