Nghệ thuật công cộng và nghệ sĩ Ly Hoàng Ly

Báo Sức khỏe & Đời sống

[+link]

Tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới, tìm hiểu các nền văn hóa, quan sát đời sống con người ở các quốc gia khác nhau, tôi quan tâm rất nhiều môi trường sống, yếu tố tác động nhiều nhất đến nhân cách, hành vi của con người.

Môi trường sống không chỉ là thiên nhiên tươi đẹp, sạch sẽ mà còn chứa đựng những tác phẩm nghệ thuật công cộng (public art), một chất xúc tác quan trọng trong việc tạo ra những tương tác xã hội có ý nghĩa, mang đến những chia sẻ thú vị, giúp con người xuất hiện khả năng đối thoại, phản ánh bản thân với môi trường xung quanh.

Với đặc điểm sử dụng và biến đổi các không gian đơn thuần, có sẵn và tạo ra những trải nghiệm mới, kích thích trí tưởng tượng, xúc cảm, làm phong phú các giá trị thẩm mỹ cho cộng đồng dân cư, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa – nghệ thuật cũng như củng cố bản sắc chung của cộng đồng và mối liên kết, sự chia sẻ giữa các cá thể của cộng đồng đó…

Có thể nêu một vài ví dụ để thấy công trình nghệ thuật công cộng được thế giới chú trọng như thế nào:

Cloud Gate – Cổng mây của  Anish Kapoor (người Anh, gốc Ấn). Ra đời năm 2006. Nằm trong khuôn viên Công viên Thiên niên kỷ. Hay Waste Landscape – Phong cảnh phế thải của Elise Morin & Clemence Eliard (người Pháp), đã dùng hơn 60.000 đĩa CD bỏ đi trong một diện tích 600m2 tại Trung tâm Văn hóa Le Centquatre, Paris, Pháp. Hay Đài phun nước Crown Fountain của Jaume Plensa (người Tây Ban Nha) bao gồm hồ nước đá granite, hai màn hình LED, gạch thủy tinh, nước. Cao 15m. Ra đời năm 2004…

Khi tới những nơi đó, tôi không chỉ thấy người dân sở tại yêu quý và tự hào về thành phố của họ, họ sống thân thiện với môi trường, với người xung quanh mà còn thấy lượng khách khổng lồ từ khắp nơi trên thế giới đổ về để chiêm ngưỡng thành phố và các tác phẩm nghệ thuật công cộng ra sao. Và tôi bỗng nhớ tới người nghệ sĩ bé nhỏ Việt Nam đã từng “chiếm sóng” về loại hình nghệ thuật này trước các mối quan tâm của thế giới ra sao: Nghệ sĩ Ly Hoàng Ly…