SANTA FE

Alejandra Costamagna

(đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

 

Alejandra Costamagna

Người thiếu ngủ và người buồn bã đều mệt lử. Họ là hai hành khách quá cảnh ở Albuquerque. Họ đã chu du hơn mười hai tiếng đồng hồ; họ đã lên, xuống, đổi máy bay và taxi, đã phải vật lộn với cái ngôn ngữ mà cả hai phát khổ phát sở để cố gắng hiểu (mấy khóa học tiếng Anh chuyên sâu thật vô dụng), và giờ thì họ đang chờ chuyến xe buýt đưa họ đến Santa Fe. Cuối cùng họ cũng đang trong kỳ nghỉ mát. Đây là lần đầu tiên họ vượt dải Andes và rời khỏi Chi lê. Và lần đầu tiên họ bay. Người buồn bã bị chóng mặt suốt cả lộ trình và cả chuyến bay cứ một mực nghĩ rằng mình là một thiên thần trên thiên đường. Cô bảo điều đó với người thiếu ngủ, người này điên tiết hỏi cô là cô vừa nói cái gì. Người buồn bã quyết định không kỳ kèo, không làm gián đoạn niềm vui ngắn ngủi của người thiếu ngủ và để cho chuyến bay tiếp tục lắc lư dịu dàng, nhịp nhàng về phía Albuquerque.

Nhưng đó là buổi sáng. Còn giờ thì đã giữa trưa và họ đang ở Albuquerque. Một nhân viên bảo vệ đang nói với họ rằng không thể mua vé ở đây, rằng họ phải lấy vé ở một trạm khác, trạm xe buýt Greyhound, cách đây hai dãy nhà. Vì hành lý rất nặng, họ quyết định chỉ một người nên đi đến đó mua vé. Người buồn bã ở lại. Cô nhìn quanh: Chỗ này sao xấu xí quá thể, ở nước ngoài mà như vầy thì thật là thất vọng. Cô ngồi xuống cái ghế dài đầu tiên mình nhìn thấy. Buồn chán. Nhìn xung quanh lần nữa. Cô thử đọc mấy bản yết thị nhưng không thực sự nắm được trên đó nói gì. Một vài phút trôi qua và cô chợt nhận thấy mình đang chuyện trò, hay là cố gắng để chuyện trò, với người đàn ông vừa ngồi xuống kế bên cô. Tiếng Anh của cô rõ là thảm hại. Hãy nghe cô nói. Cô muốn châm một điếu thuốc và cô nói “Could you give me fire, please?”  Cô nói giọng giống y như trong một bộ phim Mexico vậy. Người đàn ông nhận ra cô là người ngoại quốc và mừng rỡ. “Of course,” anh ta nói với vẻ thân thiện một cách thái quá.  “Where are you from?”, họ hỏi nhau. “Chile”, cô đáp. “Mexico,” anh ta nói. “Salud, amiga!”, anh ta kêu lên bằng tiếng Tây Ban Nha hoàn hảo trong lúc châm thuốc cho cô. “Salud!”, cô đáp lại, gắng gượng sao nghe cho có vẻ vui vẻ và nhìn anh ta kỹ hơn. Giờ thì cô thấy rằng anh ta không chỉ có một mình. Hộ tống anh ta là một thằng bé khóc sướt mướt thảm hại và một người phụ nữ với cái nhìn chăm chăm trống rỗng. Quanh họ là hành lý mà phần lớn là túi nhựa, không có lấy một cái vali. Người buồn bã chợt nhận ra rằng đôi vợ chồng này rất nghèo. Người đàn ông bảo với cô là họ đang quay lại Tijuana sau chín tháng chật vật, rằng họ không kiếm được vận may ở Mỹ, mà thực ra thì họ chẳng có được vận may ở đời. Đến tận 7 giờ tối, chiếc xe đưa họ trở về Mexico mới ghé ngang qua. Bây giờ là 12:30. Họ mệt mỏi rã rời và cùng quẫn. Thằng bé đói đến mức nó có thể ăn hết cả một con ngựa, đó là lý do tại sao nó khóc thảm thiết. Người đàn ông muốn mua chút đồ ăn nhưng anh ta gặp trở ngại: Vợ anh bị mù nên anh không thể để chị một mình với đống hành lý được. “Do you have money?”, người buồn bã hỏi. “A bit,” người đàn ông dè dặt nói. Rồi anh ta pha trò “Un poquititito. A little little bit.” Người buồn bã không thể hiểu được, nhưng có cái gì đó, cô cũng không chắc là gì nữa, làm cô mủi lòng. Đột nhiên cô cảm thấy quá thương tâm, quá sầu thảm, đến mức nước mắt chỉ chực trào ra. Nhưng cô ráng kiềm chế và bảo với anh ta là đừng có lo, đi nhanh đi tôi sẽ coi chừng vợ anh và hành lý của anh cho. Người đàn ông cảm ơn cô, anh ta gọi cô là thiên thần trên thiên đàng. Người buồn bã xúc động, bối rối, thậm chí đỏ cả mặt. Nhưng người đàn ông đã chộp lấy thằng con trai và chạy xuống dưới phố mất rồi.

Chỉ còn lại người buồn bã và người mù lòa. Nhiều câu chuyện xoay quanh họ, những câu chuyện khó hiểu với cả hai. Bằng tiếng Tây Ban Nha, người buồn bã hỏi người mù lòa có thích đất nước này không. Người mù lòa nói, vì chị ta không thể nhìn được, nên chị ta không biết mình thích hay là không, nhưng để bắt đầu với nó, thì chị ta ghét nơi này. “Ồ”, người buồn bã nói, và ngưng đề tài đó lại. Người buồn bã lại cảm thấy chán chường. Cô châm một điếu thuốc khác, hút như một người tù bồn chồn sốt ruột. Giờ đến lượt người mù lòa nói. “Còn cô?”, chị ta hỏi. “Còn tôi sao cơ?”, người buồn bã giật mình. “Cô có thích cái đất nước này không?” Người buồn bã không biết trả lời sao. Cô chỉ mới đến đây, đến đất nước này được vài giờ, chẳng đủ để hình thành một quan điểm. Cô sắp sửa ứng biến một câu trả lời thì thấy người thiếu ngủ đang vội vã trở lại. Một vài giây sau cô ta đã đến bên chiếc ghế dài. Cô ta thông báo rằng họ phải đi ngay, nếu không sẽ lỡ chuyến xe buýt duy nhất tới Santa Fe mất. Người buồn bã giải thích hoàn cảnh với người thiếu ngủ, người thiếu ngủ mỉa mai hỏi có phải cô muốn qua đêm đầu tiên trong kỳ nghỉ mát của họ ở Albuquerque không. Người buồn bã nhượng bộ và họ giảng giải sự tình cho người mù lòa. Chị ta tuyệt vọng bật khóc òa lên. Cái ý nghĩ bị bỏ lại một mình ở đó khiến chị ta hoảng lọan. Chị ta sợ bị cướp hết đồ đạc mà không hề hay biết. Trong những tiếng nức nở, họ nghe thấy những lời ai oán: “Tôi căm ghét nơi này, căm ghét nó, căm ghét nó.” Họ dành bốn phút để an ủi người mù lòa và khó khăn lắm mới làm chị ta dịu xuống. Người thiếu ngủ đưa ra một ý kiến: cột những cái túi lại với nhau bằng một sợi dây và gắn mấy cái chìa khóa vali của họ vào cuối đoạn dây. Cô ta giải thích rằng làm cách đó thì nếu mấy cái khóa bị va vào, chúng sẽ kêu rinh lên như chuông vậy. Họ đưa sợi dây cho người mù lòa nắm như nắm dây cương ngựa và vội vã bước đi. Người mù lòa vừa mỉm cười vừa khóc nức nở. Họ không thể biết được là chị ta đau khổ hay sửng sốt, nhưng họ không dừng lại để tìm hiểu ngọn nguồn.

Khi họ rời khỏi trạm xe, người buồn bã thoáng nhìn thấy người đàn ông trong ô cửa một quán bar. Anh ta đang ngấu nghiến một bịch khoai tây chiên như một con chó đói khát, trong khi thằng bé thì vục mặt vào một cặp kem ốc quế sô cô la. Người buồn bã cảm thấy nước mắt mình trào ra. Nhưng người thiếu ngủ nói rằng đừng có dừng lại, nhanh lên đi. Nếu họ không chạy nhanh, họ sẽ lỡ chuyến xe buýt cuối cùng đến Santa Fe. Người buồn bã nghĩ rằng cô nghe thấy tiếng leng keng không dứt của một cái chuông nhỏ xíu. Âm thanh đó xáo động cô, làm cô nôn nao quá chừng. Cô không biết là do trí tưởng tượng thảm hại của cô, hay là bởi người mù lòa đang cầu cứu. Để khỏi phải nghe thấy âm thanh đó, cô bắt đầu tự mình rầm rì những bản nhạc lạc điệu, một điệu nhảy bôlêrô, một bản tangô, cho đến khi cô dập tắt được tiếng chuông. Giờ đây họ đã đến trạm xe buýt Greyhound. Người buồn bã ước giá mà đang ở sân bay, chuẩn bị lên máy bay còn hơn. Người buồn bã đột nhiên cảm thấy muốn làm một thiên thần trên thiên đàng. Cô sắp sửa nói ra điều đó khi cô nhìn người thiếu ngủ, nhưng người thiếu ngủ dường như đã quá mệt mỏi, những quầng thâm vằn vện dưới mắt cô ta kia kìa, thế nên người buồn bã quyết định không phá vỡ sự yên lặng mong manh và thay vào đó, không nói gì cả, khoan dung, thận trọng, một chút buồn.

——-

Ly Hoàng Ly dịch từ bản tiếng Anh năm 2003

(nhân dịp làm việc cùng Alejandra và các nhà văn, thơ khác trong Chương trình Viết Văn Quốc tế 3 tháng tại Trường Đại học Iowa – 2003, do Bộ Ngoại Giao Mỹ mời)


Chú thích:

 “Salud, amiga!”: “Chào bạn!”

“Un poquititito. A little little bit.”: “Một chút ít. Chút ít chút ít.”


TIỂU SỬ TÁC GIẢ

Alejandra Costamagna Crivelli là một gương mặt họat động tích cực trong nền văn chương Chilê. Cô sinh năm  1970, là nhà báo, nhà văn viết truyện ngắn và tiểu thuyết hư cấu , Cử nhân báo chí Đại học Diego Portales, thành viên Ban Giám đốc Hiệp hội Quản lý Quyền Văn Chương của Chilê. Cô là cây bút viết phê bình sách cho tờ Santiago Culture, góp phần xây dựng mảng văn học cho tờ “Rolling Stone”, phụ trách một chuyên đề cho tờ “Journalist” (Ký Giả). Cô cũng từng là giám đốc của nhiều hội thảo văn học và các khóa biên tập  tại trường Đại học Chilê cũng như  tại các trung tâm văn hóa khác. Nhiều truyện ngắn của cô đã được dàn dựng cho sân khấu.

Những tác phẩm đã xuất bản:

Đã chán Mặt trời, NXB Planeta (NXB Hành Tinh), Chilê, 2002

Những đêm tồi tệ, tuyển truyện ngắn, NXB Planeta, Chilê, 2000

Công dân nơi ẩn dật, NXB Planeta, Chilê 1998

Trong một giọng trầm, NXB Lom, Chilê 1996

Tiểu thuyết đầu tay của cô , Trong một giọng trầm, đã đọat Giải thưởng Cuộc thi Văn học Gabriela Mistral (Gabriela Mistral Liteary Games Award.).  Tiểu thuyết thứ hai, Công dân nơi ẩn dật, và thứ ba, Đã chán mặt trời, đã vào chung kết Giải thưởng Planeta Argentina năm 2000. Cô tham dự Chương trình Viết Văn Quốc tế 2003 tại Trường Đại học Iowa với lời mời và tài trợ của Bộ Ngoại Giao Mỹ.