Một số đặc điểm nghệ thuật trong tập thơ ‘Lô Lô’ của Ly Hoàng Ly

Nguyễn Hồng Anh

 

Bộ Giáo Dục & Đào Tạo

Trường Đại Học Sư Phạm Tp.HCM

HỘI NGHỊ SINH VIÊN NGỮ VĂN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CÁC TRƯỜNG ĐH-CĐ PHÍA NAM LẦN VI (THÁNG 4/2007)

 

BÀI TIỂU LUẬN:

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT TRONG TẬP THƠ ‘LƠ LƠ’ CỦA LY HOÀNG LY

 

SV thực hiện: NGUYỄN HỒNG ANH

Lớp: NGỮ VĂN 1A – K32

Năm học: 2006-2007

Tháng 2/2007


1 – GIỚI THIỆU CHUNG

Nền thơ hiện đại sau 1975 là nền thơ của nhiều thể nghiệm. Những nhà thơ trẻ đã phần nào thay đổi truyền thống của thi ca bằng những đột phá táo bạo cả về nội dung và hình thức. Bằng cái tôi mạnh mẽ, họ đã tạo ra những tiếng thơ đầy thách thức. Đó là một Phạm Thị Ngọc Liên với “em muốn giăng tay giữa trời mà hét”, đó là Liêu Quốc Minh với mong muốn “có được chiếc áo của riêng mình”, là Vi Thuỳ Linh táo bạo, gửi ham muốn nơi những “Khát”, “Linh” sẵn sàng “khước từ chân lý”… Và đó là Ly Hoàng Ly:

“Tôi lặng lờ trôi vào đường hầm thời gian

Ánh sáng và bóng tối chỉ là chất liệu cho những gì diễn ra bên trong

 cơ thể

Như nồi súp đặc quánh nhiều gia vị lờ lợ

Tôi sôi lên lọc bọc bằng lửa của mình…”

(Sóng đêm – Lô Lô)

Thâm trầm và thuần khiết, Ly Hoàng Ly – một nhà thơ, hoạ sĩ trẻ – đã xây dựng cho mình một thế giới thơ chân thành và tinh tế, một thế giới đầy mâu thuẫn với bóng tối và ánh sáng, tuyệt vọng và khát khao, bi kịch và hạnh phúc…

Đó là thế giới của “Lô Lô”.

Tập thơ “Lô Lô” chứa đựng những thể nghiệm mới mẻ từ cảm hứng, ngôn ngữ, hình ảnh, cách thể hiện… “Lô Lô” không chỉ là thế giới của thơ mà còn là thế giới của hội hoạ, sắp đặt và trình diễn. Tâm hồn của một nhà thơ, tài năng của một hoạ sĩ và trên hết là tấm lòng của một người làm nghệ thuật đã gắn kết nhau tạo nên một tập thơ “Lô Lô” hoàn chỉnh, với: xúc cảm khác thường, suy nghĩ khác thường, cách nói khác thường. Ở Ly Hoàng Ly, cái khác thường ấy bao gồm cả tính độc đáo và theo chiều mỹ cảm.

“Lô Lô” là một hiện tượng khá lạ của nền thơ ca hiện đại năm gần đây nên gần như chưa có những nghiên cứu khoa học chuyên sâu nào về tác phẩm. Trong phạm vi bài tiểu luận, người viết chỉ xin đóng góp những ý kiến, cảm nhận mang tính chủ quan về một số đặc điểm nghệ thuật nổi bật của tập thơ này – điều làm nên sự mới mẻ ở “Lô Lô” so với các tập thơ khác cùng thời, ở Ly Hoàng Ly so với các nhà thơ đồng thế hệ.

 

2 – PHÂN TÍCH

A/ MÀU SẮC HÌNH THÀNH THẾ GIỚI THƠ

Màu sắc là chất liệu quan trọng nhất tạo nên thế giới thơ “Lô Lô”, bên cạnh ngôn ngữ, cảm hứng, vần điệu… Gần bốn mươi bài thơ, được chia thành hai phần: “Khúc đêm”“Phòng trắng”. Hai mảng màu tạo nên sự tương phản mạnh mẽ là để bật sáng ý tưởng băn khoăn của con người trước một thời hiện đại ngổn ngang bao tốc độ, bao lạch luồng suy tư.

  1. Màu đen là hệ quả từ việc thủ tiêu toàn bộ ánh sáng và màu sắc. Nghệ thuật hội hoạ dùng mảng đen để tôn tạo những màu sắc khác, còn nghệ thuật thi ca dùng đen để thể hiện trạng thái tâm hồn của con người… Trong đêm, người ta dễ dàng giải bày tâm sự mà không cảm thấy thẹn với chính bản thân mình hay những người chung quanh. Trong đêm, người ta nhanh chóng thoả hiệp với thời gian, đồng nhất với nỗi buồn, nhân rộng sự cô đơn mà không cảm thấy ngượng ngùng cùng ngoại cảnh. Và, trong đêm, người ta dễ dàng tưởng tượng. Đây có lẽ là mấu chốt để “Khúc đêm” sinh thành. Từ Ngoặc đơn trong đêm, Mở nút đêm, Đêm về đi để sáng đến Đêm chảy lên trời, Đêm là của chúng mình, Đêm và anh… có sự biến ảo những hình thù đêm, hay nói đúng hơn, biến ảo của tâm hồn trong quan hệ với đêm: Có khi đêm vây bủa, đồng loã cùng tội ác, như vũng bùn làm con người ngập ngụa không lối thoát:

“Tàn đêm dắt díu nhau về

Lưng thon lại càng thon

Bóng đêm nghẹn lại ở khúc thon

Bình minh không lên được”

(Discotheque)

Đêm chứa đựng cả nỗi bất hạnh và tủi nhục “của những cô gái thích ngủ ngày” – những cô gái giang hồ ngợp chìm trong cơn lụt bóng tối cuả cuộc đời:

“Cứ đến 11h30 là cơn lụt đêm đã lên đến thành giường

Những cô gái có đôi chân chồn đen

Vì đêm đã dây lên mắt cá chân từ lúc nào mà không biết”

(Lụt đêm)

Có khi đêm trở nên huyền diệu, trong lành và khát khao sinh thành những nhục cảm thăng hoa:

“Thức được nữa không anh

Đem tình yêu rọi nắng

Đêm là của chúng mình

Tình yêu thắp sáng đêm”

                                                            (Đêm là của chúng mình)

Đêm này là của tôi, của anh, đêm của chúng ta. Đêm này là đêm hư vô, đêm thác loạn, đêm hạnh phúc. Đêm như chính tâm thức của con người biến ảo đến kì cùng với bao suy tư, day dứt, mong muốn. Có cảm giác như mỗi cảm xúc là một loại gia vị khác nhau rắc vào món ăn đêm, được thi nhân nêm nếm sao cho đủ cả ngọt – cay – mặn – đắng. Tựu trung lại thành một thứ mùi lạ mà con người không thể nắm bắt, chỉ có thể khát khao:

“Đêm đem đen vào em

Em đem đêm vào đen

Màu đen vẽ hình những cám dỗ tưởng tượng

Dậy mùi trong đêm

Mùi đen mùi đen mùi đen

Dậy mùi trong em

Mùi đêm mùi đêm mùi đêm”

(Ngoặc đơn trong đêm)

Đêm, màu của đêm, và “em” trở thành ba chủ thể,  chuyển hoá vào nhau và sinh thành trong nhau. Đêm sinh ra màu đen che giấu nhiều bí mật của cuộc đời, em ở trong đêm, màu đen ở quanh em, và em giải mã những điều khó hiểu của đời, của chính suy nghĩ trong em bằng sự tưởng tượng và khao khát. Khao khát ấy phần nhiều là ham muốn mãnh liệt của con người, đặc biệt là người phụ nữ… Chỉ về đêm, người đàn bà với tính nữ mạnh mẽ mới trỗi dậy, đòi hỏi niềm hạnh phúc thăng hoa:

“Chỉ trong đêm người đàn bà mới đẫy đà

… Người đàn bà đẫy đà nằm trong thuật yêu đương tự chế”

(Thuật ướp xác)

Nếu có một khoảng khắc nào con người nhận ra tiếng nói chân tình phát ra từ trái tim mình, một khoảng khắc nào mà mỗi đầu dây li ti của linh giác đều rung lên mạnh mẽ để đón nhận nguồn tình cảm mãnh liệt thì chính là lúc này đây, khi người phụ nữ ở trong đêm, làm cuộc đối thoại với đêm… Đằng sau những dòng thơ có vẻ “siêu thực” ấy, ta bắt gặp những cảm xúc trần tục nhất của con người. Như lời thơ Vi Thuỳ Linh trong tập thơ “Linh”:

“Bởi vì trong đêm

Em bùng lên nỗi nhớ, khát khao và cả những điều thầm kín nhất

Bởi vì trong đêm

Em là em toàn vẹn nhất”

Từ đây, màu của đêm không chỉ là phương tiện thể hiện cảm xúc mà còn là nền tảng sinh thành một thế giới thơ – một thế giới thơ của riêng người phụ nữ.

 

  1. Có vẻ như nhà thơ sau khi đã giấu mình vào đêm đen để tự suy tự cảm thì nay lại phơi mình trong sắc trắng để thấu hiểu đến tận cùng những góc khuất còn lại của tâm tư :

“Cắt đêm ra từng mảnh nhỏ

Rồi khâu đêm lại bằng tóc

Tóc thưa dần thưa dần

Những đường rãnh trắng hếu đưa ta đi hết đêm này đến đêm khác

Cho đến khi đầu trọc

Cắt ta ra từng mảnh nhỏ

Rồi khâu ta bằng hết đêm này đến đêm khác

Cho đến khi trắng hếu đêm”

(Cắt)

Con người đã tạo nên đêm và được sinh thành từ đêm. Hành trình của đời người bắt đầu giữa sự vây bọc của đêm. Người ta muốn đi, muốn kiếm tìm một điều gì đó có ý nghĩa cho mình, nhưng bất lực. Sự vùng vẫy đến nát tan của con người giữa những điều bí ẩn của cuộc sống chỉ dẫn đến sự mất mát – là cái màu “trắng huế” nhám nhẩy của lớp da đầu. Sự kết nối giữa trắng và đen cuối cùng tạo ra đêm “trắng hếu”, cũng như khát vọng muốn khám phá chính mình đã dừng lại ở cái vô hạn định, không thể biết.

“Phòng trắng” đã được sinh thành từ cảm thức về bản thân mình như thế! Trắng cởi mở, nhẹ nhàng và tinh khôi. Trắng cũng lạnh lẽo, thù địch và không khoan thứ vì nó tố giác mọi khuyết điểm của con người. Ngợp trong sắc trắng, ta cảm giác như bị cô lập giữa không gian trống rỗng, vô hồn. Thi sĩ Hàn Mặc Tử xưa chẳng đã vì sắc trắng ấy mà “nhìn không ra” bóng hình người “em” thôn Vĩ, hình ảnh duy nhất còn lại nối kết thi nhân với cuộc đời đó sao? Nói như Vi Thùy Linh, đó là một “màu trắng không trầm tĩnh” :

“Tôi trong phòng trắng

Tôi kêu gào

… Không ai nhìn thấy tôi

Tôi cũng không nhìn thấy tôi

Tôi cũng trắng như phòng trắng”

                                                            (Phòng trắng)

Thi nhân biết mình là ai và cũng không biết mình là ai. Màu trắng là phương tiện khắc hoạ đậm đặc cái lẻ loi của chủ thể trong phòng trắng. Quắt quay mong đợi một  câu trả lời từ người đọc, một câu hỏi vô thanh chờ đợi những âm vọng hữu thanh (“Tại sao tôi lại trắng và lại trong phòng trắng?”)phải chăng Ly Hoàng Ly trông đợi thoát khỏi nỗi cô đơn từ sự cộng hưởng những tâm tình nhân văn của con người?

 

Thế giới của “Lô Lô” là thế giới độc hai màu đen-trắng, độc một vị buồn, độc nỗi cô đơn. Chính sắc trắng và đen hoà tan với nỗi buồn đã hoá thành một sắc màu không tưởng: “màu lô lô”. Nếu hiểu theo hướng ấy, ta đã giải mã được phần nào tên gọi của tập thơ này. “Lô lô” chính là màu tâm trạng mà nhà thơ đã sáng tạo ra, một sắc màu hư thực, như thể có mà cũng hoá không, để vẽ nên nỗi buồn và sự trống vắng của tâm hồn trong quan hệ với chính bản thân mình và thế giới. Từ đó, “Lô Lô” trở thành “một tín hiệu thẩm mỹ mới bằng thơ” (Nguyễn Thụy Kha)

 

B/ NHỮNG HÌNH ẢNH SÁNG TẠO ĐẶC TRƯNG

Có ai đó đã bình: Nếu “Khúc đêm” đồng dạng với nỗi buồn của con người thì “Phòng trắng” lại phảng phất nỗi cô đơn. Nhưng đó không phải là nỗi buồn và cô đơn kiểu trừu tượng của những người cảm thấy bất lực khi cuộc đời không có chỗ dung chứa cho cái tôi (như cách một số nhà thơ trẻ thường hay nói). Đó là nỗi buồn khi phải đối mặt với những bi kịch của thân phận mình, là nỗi buồn hữu hình, cụ thể… Từ nỗi buồn qua màu, thi nhân đã xây dựng một hệ thống thi ảnh độc đáo để nói lên những khát vọng của bản thân. Hình ảnh chính là một phương tiện giải phóng cái nhìn, gắn kết tưởng tượng với tự nhiên, biến các khả năng thành hiện thực.

Đọc “Lô Lô”, dễ nhận thấy ba hình ảnh chủ đạo đầy tính sáng tạo của Ly Hoàng Ly: ổ trứng, bầu ngực trắng và người đàn bà.

 

  1. Thế giới này hiện sinh dưới con mắt của Ly Hoàng Ly là một ổ trứng nóng:

“Những ổ trứng của cuộc đời hãy bung ra cùng một lúc

Toàn bộ quả đất này là một ổ trứng nóng

Con người và thú vật là kí sinh trùng sinh sôi và dịch chuyển đến chóng mặt”

(Tôi muốn)

Trứng là hình ảnh của mầm sống. Trứng nóng chứa đựng một sức sống rạo rực đã được hoài thai. Ổ trứng nóng thể hiện sự tích tụ gấp vạn lần những sức sống riêng lẻ. Mấy ai ví sự sống là ổ trứng, mấy ai đồng nhất con người và thú vật là kí sinh trùng, như Ly Hoàng Ly? Vì với Ly Hoàng Ly, sức sống có mặt khắp nơi, căng lên trong từng cá thể, sinh sôi mạnh mẽ như kí sinh trùng. Vì với Ly Hoàng Ly, hình ảnh trứng vừa là nguồn gốc sự sinh thành của tạo vật, vừa là nguồn dưỡng nuôi những sự sống đầy căng, để một ngày từ đó túa ra vô vạn cá thể hình thành nên sức sống :

“Những con san hô nở bung trứng cùng một lúc túa vào biển sự sống tĩnh lặng…”

(Tôi muốn)

Qua hình ảnh đặc trưng ấy, nhà thơ thể hiện một khát khao sống đến mãnh liệt. Tại sao phải khát khao? Vì sự sống còn mà sức sống trong cô thì lại đang kiệt quệ, kiệt quệ như ai đó cố tình “nuốt lòng đỏ vào bụng”, như “thiên thần mút lòng đỏ bằng đầu cánh mỏng”– tức là cướp đi chất sống để còn lại chỉ những “lòng trắng lây nhây”, để còn lại là “đêm chảy lên trời”, “chảy lên tôi”, không lối thoát (Performance trứngĐêm chảy lên trời)  

 

  1. Thế giới thơ trong “Lô Lô” có khi dịch chuyển quay cuồng, có khi lại ngưng đọng, yên ổn đi tìm một chốn biệt lập cho riêng mình. Thế giới ấy được sinh sôi từ ổ trứng và được chứa đựng trong bầu ngực.

Bộ ngực trong thơ Ly Hoàng Ly không phải là hình ảnh khiêu khích muốn nổi loạn, chống lại những giá trị, những truyền thống sáo mòn (bằng cách sử dụng những yếu tố sex trong thơ). Với Ly Hoàng Ly , bộ ngực của người thiếu phụ biểu trưng cho sức sống cả đời người. Thế nên:

“Tôi muốn

Bộ ngực của bạn tôi đừng xẻ làm đôi và ứa ra từ cổ áo

Dấu hiệu của sức sống nhão nhoẹt”     

(Tôi muốn)

Nhưng bi kịch nảy sinh từ cái muốn đã không thành sự thật. Bộ ngực này căng đầy, “căng đêm” nhưng sức sống đã bị giới hạn sau hàng nút. Nhà thơ muốn bứt tung sự giới hạn của không gian, thời gian để đồng nhất ngực trắng vào đêm đen – tức là hoà nhập cái hữu hạn của con người vào cái vô hạn của bầu trời. Cái hữu hạn, cái vô hạn ở đây là sức sống :

“Chầm chậm, mở một chiếc nút áo…

Mở mãi, muốn mở mãi

Mở bầu trời đêm trong lồng ngực

Nhưng áo chỉ năm nút

Nhưng đêm là vô tận”

(Mở nút đêm)

Điệp khúc “Mở nút đêm” điệp lại nỗi buồn, nỗi bất lực của sự khao khát sống đến tuyệt đỉnh của người thiếu phụ nhưng chẳng thể vượt thoát khỏi những giới hạn. Giới hạn đã trở nên bất biến. Hàng nút không thể có nút thứ sáu, không thể có sự gia giảm cho những nhục cảm sinh thành (dùng từ nhục cảm là để hợp với hình ảnh bộ ngực mà Ly Hoàng Ly  dùng trong thơ – nhục cảm ở đđây là một điều gì rất trần tục, một cảm nhận và khát khao rất trần tục).

 

  1. Nếu các nhà thơ nữ hiện đại phơi mở cái tôi mạnh mẽ, không còn phân vân khi xé toang những bức màn cấm kỵ truyền thống, định kiến xã hội: “Thức dậy đi hỡi những chú ngựa non của cánh đồng ngực trẻ/ Thức dậy và tung bờm cất vó…” (Trần Lê Sơn Ý), thì Ly Hoàng Ly lại điềm đạm hơn khi thể hiện tiếng nói của riêng mình.

Từ hình ảnh ổ trứng và bộ ngực, nhà thơ đã mở ra trước mắt ta một sự liên tưởng về khát vọng sống. Và người đàn bà trong Phòng trắng chính là hình ảnh chuyên chở những khát vọng của thi nhân.

Thơ ca đã nói nhiều về nỗi cô đơn của người thiếu phụ, thơ ca cũng đã lên tiếng nhiều về những đòi hỏi được sống và yêu. Người đàn bà trong thơ Ly Hoàng Ly cũng không thể hiện gì ngoài những điều như thế. Nhưng sáng tạo ở chỗ, tác giả đã vẽ nên những đường viền và điểm nhấn khác nhau khi tạo hình một cá thể, đã khơi dậy cõi sâu kín trong tâm linh người bằng những động thái, màu sắc bổ trợ bên ngoài.

Đó là đường viền những bức tranh đóng khung người đàn bà vào luân lý:

“Những bức chân dung photo nhòe nhoẹt dán tứ tung trên tường

Ghi hình những trạng thái khác nhau của cùng một gương mặt”

(Performance photo)

Đó là màu của đêm đã nhuộm đen người trong tranh:

“Những người đàn bà màu đen

Đi lại trong đêm

…Quẩn quanh bức tranh khổ vuông do người khác vẽ

Đi được đến đâu

Khi xác đã bệt lại bởi những nhát màu”

(Người trong tranh)

Người đàn bà bắt rễ từ những giá trị truyền thống nhưng đang chết dần trong vòng cương toả của chịu đựng và hy sinh. Ở họ, tư tưởng – với sự hỗ trợ của bản năng – bao giờ cũng muốn phóng khoáng, tự do nhưng lại thường không dám nhìn thẳng vào mình, không dám đối diện với chính mình. Họ bối rối tìm cách che giấu, kìm nén dục vọng, không dám bước ra các biên giới lằn ranh luân lý:

“Người phụ nữ tự trói mình

Trong tư thế trói gô

Người phụ nữ tự mỉm cười thoả mãn vì bị trói gô

…Rồi gào lên ấm ức

Rồi rú lên tuyệt vọng”

(Performance photo)

Từ những hình ảnh khắc hoạ trên bề mặt câu chữ, nhà thơ muốn người đọc nghe được ở bề sâu tiếng nói dữ dội của một lớp người, là lớp người chiếm số đông trong xã hội hiện đại. Tiếng nói ấy là khát vọng được hoài thai một cuộc đời mới, ngay giữa “căn nhà cổ” đầy “tường ố”,“vi khuẩn” “lũ gián khua râu”:

“Người đàn bà mặc áo dài trắng ngồi bắt chéo chân

Giữ cho đứa con trong bụng tư thế ung dung và thách thức”

(Người đàn bà và căn nhà cổ)

Câu thơ là một điêu khắc bằng ngôn ngữ, khắc hoạ nên dáng vẻ kiên định của người đàn bà và tư thế đối mặt trước những cái đã cũ mòn, trong vòng những sợi dây trói buộc đã “màu vàng lên rêu mốc”. Đứa con là hình ảnh thoát xác của người đàn bà. Người đàn bà được sinh thành lần hai từ trong những rường cột đang bị gặm nhắm. Từ người đàn bà xám xịt trong căn nhà cổ thoát thai thành đứa bé gái trong trắng là khoảng khắc bùng nổ của những ước vọng: ước ao được hiểu chính đời mình, khát vọng được bỏ lại sau lưng tất cả những hạn hẹp, và dám bước ra một cuộc đời mới :

“Đứa bé gái mặc áo dài trắng nhẹ nhàng tụt xuống từ chiếc ghế bọc

nhung duy nhất lành lặn

Mắt tròn trong vắt

… Vặn núm cửa bước ra đêm bão bùng

Cánh cửa dày đặc văn tự cổ sập lại sau lưng

Khi ấy đêm vụt tắt”

(Người đàn bà và căn nhà cổ)

Người phụ nữ đã không còn là cái bóng vô hình vô thanh, không còn là khúc lặng của bản nhạc đời nhiều cung bậc. Ly Hoàng Ly đã chỉ ra bi kịch của người phụ nữ hiện đại không dám vượt qua những sợi dây trói buộc thân phận còn rơi rớt lại nơi những quan điểm cổ hũ, hẹp hòi. Nhà thơ đã khơi lên con sóng ngầm vẫn tồn tại trong lòng người phụ nữ, con sóng ấy sẽ gầm lên, vỗ bờ rồi nhập vào dòng nước liên tục và mãi mãi…

 

C/ SỰ TƯƠNG TÁC NGHỆ THUẬT GIỮA THƠ, NGHỆ THUẬT TRÌNH DIỄN VÀ SẮP ĐẶT

Trình diễn và sắp đặt là hai hướng chính của nền nghệ thuật đương đại, ra đời do nhu cầu thời đại khi con người cần một giải pháp tạo hình tổng hợp để thể hiện được những cảm nhận đa chiều trong một thế giới biến chuyển không ngừng. Từ đó có thể truyền tải thông điệp của người nghệ sĩ, của tác phẩm đến người xem một cách trực tiếp nhất.

Ly Hoàng Ly đã ứng dụng hai loại hình nghệ thuật này vào thơ thông qua ngôn ngữ. Ngôn ngữ bấy giờ không chỉ nổi hình khối trên mặt phẳng trang thơ mà còn chuyển động tự nhiên, chuyển tải những tư tưởng của người nghệ sĩ.

 

  1. Thơ không còn mang vẻ bình yên muôn đời theo thói quen sẵn có với ngôn ngữ, vần điệu sẵn có, với xúc cảm thường tình phải đạo. Thơ kết hợp với nghệ thuật trình diễn đã trở thành không gian sân khấu, ở đó, người nghệ sĩ không nói lên trực tiếp tư tưởng, tình cảm của mình mà chỉ có động tác và bằng động tác mà thôi.

“Người phụ nữ tự trói mình

… Rồi cười sặc sụa chảy nước mắt

Rồi bỗng mếu rồi bỗng khóc

Rồi giật đùng đùng

Rồi gào lên ấm ức

Rồi rú lên tuyệt vọng”

(Performance photo)

Ở đây, sự cô đơn – vốn là cảm giác trừu tượng đã được Ly Hoàng Ly thể hiện một cách cụ thể qua những cử động của hình ảnh và cảm xúc trên gương mặt người đàn bà. Đó chính là nghệ thuật phối hợp trình diễn thông qua ngôn ngữ.

Thơ tìm đến nghệ thuật trình diễn để thể hiện những cảm nhận sâu sắc và mới mẻ trong một thế giới luôn thay đổi. Thơ lúc bấy giờ trở thành một vở nhạc kịch hay một bức tranh, trở thành nhân vật lẫn cảnh bài trí:

“Chiều

Im im không nói đi trên phố đông

Im im không nói đi trên phố ồn

Im im bánh xe quay vù

Chiều

Gió im im bụi nắng im im bụi

Làn mây im im ám khói trời xanh im im ám khói”

(Chiều im im)

Còn nghệ thuật trình diễn tìm đến thơ để diễn đạt đủ đầy hơn những tư tưởng tình cảm vốn khó thể hiện qua sự trình diễn bằng cử động hình thể:

“Ông ta đập trứng

Lòng trắng lây nhây lòng đỏ rực cháy ly thủy tinh cáu bẩn

Mặt trời vỡ khi ông ta nuốt lòng đỏ vào bụng

Tự dưng ông ta toả sáng

…Ông ta toả sáng một mình”

(Performance trứng)

Người đàn ông bưng mắt bịt tai trước cuộc đời, tự huyễn hoặc mình bằng những hành động vô nghĩa. Cuối cùng còn lại mình ông, trong thế giới toả sáng của riêng mình… Hay trong Performance ham bơ gơ, người đàn ông đếm từng chiếc ham bơ gơ không bằng con số mà bằng tâm trạng: “Buồn chiếc ham bơ gơ – Vui chiếc ham bơ gơ – Chán chiếc ham bơ gơ – Mệt – Phiền – Bực – Cáu – Vứt chiếc ham bơ gơ”. Cuộc “trình diễn của những chiếc ham bơ gơ” là diễn biến tâm trạng ngổn ngang của con người không hiểu được mình, không cảm nhận được thế giới…

 

  1. “Lô Lô” cũng là tác phẩm thơ – sắp đặt mang tính mỹ cảm cao mà người đọc có thể hiểu được từ kênh thị giác…

Nghệ thuật sắp đặt thông qua sự kết nối các vật thể rời rạc, vô nghĩa để tạo ra một kết cấu mới có ý nghĩa, khiến người xem phải chiêm nghiệm. Đó là kết cấu giữa trắng và đen tạo hình thế giới buồn và cô độc, giữa những bức tranh và hình ảnh người phụ nữ bị đóng khung vào luân lý, giữa căn nhà cổ và người đàn bà: một bên là “Những con vi khuẩn bám trên từng hạt bụi/ Những con gián túa ra từ gầm phản”, đối chọi với một bên là “Người đàn bà mặc áo dài trắng ngồi bắt chéo chân/ Giữ cho đứa con trong bụng tư thế ung dung và thách thức” (Người đàn bà và căn nhà cổ)

Nghệ thuật sắp đặt là sự sắp đặt tĩnh các đồ vật, khi chiêm ngưỡng, người xem phải chuyển động quanh đồ vật. Nhưng đã vào thơ, người xem thì tĩnh, còn những gì được sắp đặt trong thơ lại chuyển động. Nên dù ở đâu, sắp đặt cũng tạo nên một không gian đa chiều, kết nối người sáng tạo và người thưởng lãm… Am ảnh sắp đặt ấy được Ly Hoàng Ly dùng trong cách sắp xếp các chữ in mà đặc biệt nhất là cách sắp xếp các chữ nghiêng trên ô giấy vuông ở Nhà nghiêng:

“Ngôi nhà nằm nghiêng thích nằm nghiêng

Đổ ra đường những đau thương từ đỉnh mái

Như xô nước đầy cặn thích nghiêng sang bên

Đổ hết nước vẫn còn cặn”

Sự chênh vênh của tâm hồn một cô gái trẻ hay là sự nghiêng lệch của góc nhìn mới về cuộc đời mới đã được thể hiện trực quan qua sự nghiêng lệch của câu chữ. Không chỉ mở ra chiều nghiêng, lời tâm tình còn được vang rộng, vang sâu trong không gian, thời gian. Ở Đêm chảy lên trời, ta thấy một tư duy, một hệ thống sử dụng thi ảnh không còn bị cầm tù trong mặt phẳng nữa:

“Kìa đêm chảy

Chảy lên trời

Buốt óc tôi

Vắt tóc lên mây

Tôi kéo đêm lại”

 

          Trong một thế giới không lớn, gọn ghẽ và có vẻ biệt lập như “Lô Lô”, dường như vẫn có những chiếc cầu nối liền một thế giới thực và thế giới thơ, gắn kết giữa tác giả và độc giả. “Lô Lô” là một tập thơ mở, ở đó, người đọc luôn cảm thấy ngạc nhiên, chênh vênh, lúc thì muốn hát ngay lên những bản performance về photo, về trứng, lúc lại hoang mang muốn lãng du, luồn lách qua những câu chữ, khoảng trắng nghiêng lệch giữa dòng thơ. “Lô Lô” không chỉ là thơ, thế giới ấy được hình thành qua sự tương tác nghệ thuật kì diệu giữa thơ, nghệ thuật trình diễn và sắp đặt.

Mỗi bài thơ trong tập “Lô Lô” là giai điệu mới trong cuộc đời mới, mới mẻ từ những cảm xúc tinh tế và thành thực nhất của trái tim người phụ nữ đến những thể nghiệm nghệ thuật ấn tượng chỉ có được từ sự tài hoa của một hoạ sĩ, nhà thơ…

 

3 – KẾT LUẬN

Khi diễn tả một thế giới bất an, “Lô Lô” vẫn mang vẻ đẹp thuần khiết (Nguyễn Vĩnh Nguyên). Vẻ đẹp tâm hồn thơ và tài năng thơ của Ly Hoàng Ly không tách rời nhau trên con đường tìm kiếm cho mình một dòng chảy riêng giữa bao mối ngổn ngang, phức tạp của nền thơ hiện đại. Những đặc điểm nghệ thuật của tập thơ “Lô Lô” không đơn thuần là vỏ bọc của nội dung mà là nơi nội dung nương nhờ, là nơi hồn thơ cất cánh.

Ba mươi tám bài trong tập “Lô Lô” là thơ, sắp đặt hay phối hợp trình diễn, cũng luôn luôn là hoá thân của giấc mơ về một kỳ vọng không ngừng. Đó là tiếng nói thời đại của người phụ nữ, mang đến ta những thông điệp về sự mong manh của cuộc sống và cội nguồn của những khát vọng.

Tập thơ “Lô Lô”, bằng hình thức lạ lẫm của mình, đã hoàn thành một sứ mệnh mà nhà thơ trao gởi : góp cho thơ một tiếng nói trầm nhưng không tĩnh, góp cho đời một con mắt thơ bất chấp những ranh giới, dị biệt từ tuổi trẻ hăng say và rạo rực nhất : “Tôi chỉ mong muốn làm nên những tác phẩm với những đề tài mà mình nung nấu, với những điều gây cho mình hứng khởi. Tôi không thấy mình có nhiệm vụ phải giữ gìn bất cứ điều gì nếu như điều đó không thực sự đang chảy trong tôi”       (Ly Hoàng Ly). 


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1/ Tập thơ “LÔ LÔ” – Ly Hoàng Ly. NXB Hội nhà văn 2005

2/ Nguyễn Vĩnh Nguyên. Đọc sách: LY & LÔ LÔ. Sai Gon Tiep Thi Online 30/3/2006

3/ Trần Mạnh Hảo. Ly Hoàng Ly: Tôi luôn tôn trọng giá trị truyền thống. VietNamNet 23/11/2004

4/ Trịnh Cung. Hội họa không là con đường đầy hoa với các nữ hoạ sĩ. Phụ Nữ xuân 18/1/2006

5/ Nguyễn Thụy Kha. Những ấn tượng rap và sắp đặt trên hai màu đen trắng. Văn Nghệ số 22/2006

6/ Phạm Thanh Hà. Nghệ thuật sắp đặt – bước chập chững ở Việt Nam. Nguồn: www.netcenter-vn.net

7/ Thơ tình nữ sĩ Việt Nam. NXB Đồng Nai 2005