Ly Hoàng Ly – vẻ đẹp của thơ đọc chậm

Nguyễn Việt Chiến

Không phải chờ đến khi Ly Hoàng Ly từ chối tặng thưởng thơ của Hội Nhà văn VN cho tập thơ Lô Lô (NXB Hội Nhà văn năm 2005), nhà thơ trẻ này mới trở nên nổi tiếng. Ngay từ những bài thơ đầu tiên in nhiều năm trước đó của chị, đã thấy xuất lộ một giọng thơ trẻ rất đáng chú ý.

Ly Hoàng Ly sinh năm 1975 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM, hiện làm việc tại NXB Trẻ. Với 3 tập thơ Cỏ trắng, Lô Lô, Quà, những năm gần đây, Ly Hoàng Ly đã trở thành một trong rất ít gương mặt thơ nữ đáng chú ý nhất của giới viết trẻ hiện nay.

Đầu năm 2008, nhà thơ trẻ này trở nên nổi bật với sự cổ vũ của công chúng thơ trong một đêm trình – diễn – thơ theo phong cách hiện đại ở một trung tâm văn hóa của Hà Nội. Với những khoảnh khắc xuất thần trong ngôn ngữ thơ mới, hình như Ly Hoàng Ly đã vượt thoát khỏi “cái bóng” thi ca đang bao trùm của người cha mình là nhà thơ Hoàng Hưng. Trước đó, xu hướng tìm tòi và cách tân nghệ thuật thi ca cả về mặt hình thức và nội dung của nhà thơ Hoàng Hưng đã phần nào có ảnh hưởng đến giới viết trẻ.

Trong thơ Ly Hoàng Ly, tôi có cảm giác sự cộng hưởng của ngôn ngữ hội họa hiện đại và thi ca đã mang lại một thứ ánh sáng khá đặc biệt. Nó soi rọi và hướng sự chuyển động của những câu thơ vào những miền  tối – sáng của tâm thức con người đương đại, để nắm bắt và khái quát một cách có hiệu quả những vấn đề mà nhà thơ chủ định hướng tới. Điều này có thể thấy rõ ở bài thơ Người trong tranh sau đây: “Những người đàn bà/Đi đi lại lại trong bức tranh khổ vuông/ Những nhát mầu bết họ vào sơn/Những người đàn bà màu đen/Đi lại trong đêm/Tóc hất ngược ra sau/Trên mặt phẳng bức tranh dang dở/Những người đàn bà khô queo/Vì đi lại quá nhiều/ Quẩn quanh bức tranh khổ vuông do người khác vẽ/Đi được đến đâu/Khi xác đã bệt lại bởi những nhát mầu/Cầm chiếc bay/Cạo xác từng người đàn bà ra khỏi tranh/Thấy mình cũng rời ra từng mảnh/Không đau đớn”.

Bài thơ trên có tứ thơ hiện đại với cái nhìn thật lạ, trong không gian bất động của một bức tranh, nhà thơ phát hiện thấy những người đàn bà luôn chuyển động. Hình như có điều gì đấy bất ổn, luôn hành hạ, dằn vặt không để họ được nguôi yên, ngay cả khi ngồi làm mẫu vẽ cho các họa sĩ. Và, những người đàn bà ấy cứ đi lại, quanh quẩn mãi trong bức tranh khổ vuông. Cho đến khi hình hài của họ bệt thẫm lại, khô queo trên vải vẽ. Họ chỉ được giải thoát khỏi bức tranh khổ vuông ấy khi đã chết, khi chiếc bay trên tay người họa sĩ “cạo xác từng người đàn bà ra khỏi bức tranh”. Và sau sự “giải thoát” đau đớn ấy, chính người họa sĩ cũng thấy mình rời tan ra từng mảnh. Một bài thơ mà chiều sâu “ý tại ngôn ngoại” của nó đôi khi khiến chúng ta phải giật mình.

Nếu coi mỗi bài thơ cách tân là một “vật thể lạ” đến với ngôi nhà thi ca từ một thế giới khác thì phải chăng, điều đầu tiên làm chúng ta ngạc nhiên chính là bởi “vật thể lạ” bằng ngôn ngữ ấy đã làm chấn động ta, đã làm thay đổi cách nhìn của ta. Ly Hoàng Ly đã lặng lẽ làm tràn đầy một không gian thơ trong bài Mở nút đêm dưới đây: “Chầm chậm, mở một chiếc nút áo /Soi vào gương chầm chậm, mở hai chiếc nút áo /Chầm chậm, mở ba chiếc nút áo /Soi vào gương, chầm chậm, mở chiếc nút thứ tư/Chầm chậm, mở năm chiếc nút áo /Soi vào gương chầm chậm, mở nút thứ sáu…/Tìm hoài không thấy nút thứ sáu /Soi vào gương, cố tìm nút thứ sáu, /nút thứ bảy, thứ tám, thứ chín… /Mở mãi, muốn mở mãi /Mở bầu trời đêm trong lồng ngực/Nhưng áo chỉ năm nút /Nhưng đêm là vô tận /Mở mãi, muốn mở mãi /Mà bầu ngực vẫn trắng, không đêm /Mở mãi, muốn mở mãi /Bầu ngực này căng đêm /Soi vào gương /Bất lực và khóc /Trong vô vàn những giọt nước mắt /Một giọt đêm ứa ra từ bầu ngực trắng”.

Theo tôi, đây là một bài thơ khá hay, một bài tiêu biểu cho phong cách thơ Ly Hoàng Ly. Đây là một bài thơ đọc chậm theo đúng nguyên nghĩa của nó khi cái đẹp chầm chậm mở ra, mở đến tận cùng, mở cho đến khi sự khao khát cất tiếng kêu bất lực. Ly Hoàng Ly bước đầu đã tạo cho mình một giọng thơ riêng, một bản lĩnh riêng rất đáng chú ý- điều mà không phải cây bút trẻ nào cũng khẳng định được.