Ly Hoàng Ly và “Phẳng Chung Thuỷ”: Biến và Dịch

Dương Tường – báo Tia Sáng

[+link1]

[+link2]

Khoảng bốn chục tấm lụa thêu hình chữ nhật, khổ 48 X 90cm, dăng trên dây, xếp thành từng cặp đôi, tấm đằng trước thêu chỉ bạc, qua nền lụa mỏng có thể nhìn thấu tấm đằng sau thêu chỉ đen.

Để mô tả bề mặt, người ta có thể tóm gọn triển lãm sắp đặt Phẳng Chung Thuỷ của Ly Hoàng Ly trong một câu như vậy. Thực ra, đây là sản phẩm của một loạt 15 cuộc trình diễn không khán giả suốt hơn hai tháng trời tại một lớp học toán cao cấp do giáo sư Ngô Bảo Châu, người được tặng Giải thưởng Fields về toán học, hướng dẫn, trong đó nghệ sĩ trình diễn ngồi lẫn với 15 sinh viên không biết cô là ai, ghi chép lại theo cách mình hiểu – hay đúng hơn, theo cách mình không hiểu – những hình ảnh và kí tự toán học mà giáo sư Châu viết trên bảng đen để giảng về bổ đề cơ bản của ông. Nghệ sĩ tiếp thu, thị giác hoá những yếu tố ngôn ngữ toán học hoàn toàn xa lạ với mình trên những trang sổ kí họa của cô. Sau đó, giáo sư Ngô Bảo Châu được mời “hiệu đính”, đặt giấy can lên từng trang ghi chép của nghệ sĩ, sửa những chỗ sai và, đôi khi, đến lượt mình, không hiểu nghệ sĩ vẽ hoặc viết gì, đành chỉ điền vào đó một dấu chấm hỏi hoặc một cái mặt cười, bất giác điểm xuyết vào tác phẩm một nét thơ đột ngột. Cả những trang kí họa của nghệ sĩ và những bản “hiệu đính” đều được gửi đến những thợ thêu để họ chép lại trên lụa mỏng lần lượt bằng chỉ đen và chỉ bạc và, qua một lần biến đổi nữa, sản phẩm của loạt trình diễn giai đoạn I đến với công chúng dưới dạng một triển lãm sắp đặt mang tên Faithfully Flat (Phẳng Chung Thuỷ) tại Thư viện John M. Flaxman hồi tháng 5/2014 và tại North Branch Projects, Chicago hồi tháng 6/2014. 

Lần này, triển lãm được giới thiệu với công chúng Việt Nam tại Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán của giáo sư Ngô Bảo Châu. Faithfully Flat – Phẳng Chung Thuỷ – một thuật ngữ luôn trở đi trở lại trong bài giảng Affine Grassmannian của giáo sư Ngô Bảo Châu, được ông diễn giải bằng ngôn ngữ thông thường như sau: “Nếu một chiếc đinh ốc là một cái chốt có ren để gắn giữ các vật vào nhau, thì phẳng chung thuy có thể hình dung như là một chiếc đinh ốc gắn giữ nguồn gốc của những dạng toán đã được biến đổi.” Tâm đắc với nội hàm ấy, Ly Hoàng Ly mượn thuật ngữ này làm tựa đề cho dự án đang triển khai của mình.

Tôi biết Ly Hoàng Ly từ những bước đầu cô dấn thân vào nghệ thuật khái niệm (conceptual art) với sắp đặt đầu tay “Tháp mâm” (năm 2000) ở thành phố Hồ Chí Minh, sau này được tái hiện nhiều lần ở cả trong nươc và nước ngoài. Trong mắt tôi, Ly không chỉ là một tài năng đa dạng (một năm nào đó, với tập thơ Lôlô, cô đã được Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị tặng thưởng về thơ, nhưng cô xin rút), mà trước hết, là một nghệ sĩ không lúc nào ngừng thai nghén những dự định sáng tạo. Sang học ở School of the Art Institute of Chicago theo một học bổng Fulbright, giữa cái nơi được xem như một melting pot, Ly đối diện với một mosaic văn hoá đa sắc thái và điều đó mở rộng biên độ quan tâm của cô. Một trong những ám ảnh kéo dài của Ly về “hình dạng của các biến lệch trong ngôn ngữ và cái không gian ý niệm được khơi mở trong vòng những diễn dịch khác nhau,” như lời tự bạch của nữ nghệ sĩ. Chính từ ám ảnh này đã khởi lên dự án Phẳng Chung Thuỷ.

Đứng trước những tấm lụa thêu bí ẩn này mà tôi đọc một cách chủ quan như những hàm số của biến đổi và dịch chuyển, tôi cảm thấy như mình cũng chia sẻ với tác giả nỗi ám ảnh đó. Tôi đến với Phẳng Chung Thuỷ của Ly Hoàng Ly, có lẽ cũng mang cùng những băn khoăn về những xô lệch, những so le nẩy sinh trong quá trình dịch chuyển ngôn ngữ: tôi đang dịch cuốn Dưới bóng những cô gái đương hoa, tập hai bộ tiểu thuyết không lồ Đi tìm thời gian đã mất và đang nhiều phen lạc trong mê cung của cái được gọi là câu văn Proust (la phrase proustienne). Liệu có thể có một quĩ tích nào – dù là ảo – ở đó người ta tìm thấy những yếu tố biến đổi và dịch chuyển như là hệ quả của mọi quá trình được gọi là tiếp biến văn hoá?