Ly “Cỏ trắng” – Chân dung văn nghệ

Nguyễn Hữu Hồng Minh

[+link]

Ly Hoàng Ly là một ca khá kỳ lạ xuất hiện từ cuộc thi thơ Bút Mới của báo Tuổi Trẻ. Trong sổ tay tôi vẫn còn cất giữ trang thơ số ra ngày 5.1.1999 có bài “Khắc họa” của Ly tặng những người đau tim mà cứ thèm yêu này. Đây là sưu tập của tôi, những bài thơ xé vội vàng trên các báo, đôi khi chỉ là mảnh vụn báo gói bánh mì ăn sáng. Bánh mì tiêu hóa đã lâu riêng những bài thơ còn lại. Tôi thích “Khắc họa” bởi tôi là một người đau tim, thèm yêu, yêu dài và ngoài ra bài thơ còn có một mùi “ngựa” rất đặc biệt. Sau này trên những chuyến bay vô hạn định của thi ca, chúng tôi đã thân nhau. Tôi lại phát hiện ra Ly Hoàng Ly là cô con gái cưng của thầy tôi. Một người luôn tìm cách thay đổi các văn bản, say mê ngôn từ, gây sốc mãnh liệt. Ông hiện thân là một cây cầu nối kết thơ. Một cá biệt thơ mà ít nhiều từ phía nào đó, ở giai đoạn đầu sáng tạo đập vỡ cấu trúc ngôn ngữ tôi có chịu ảnh hưởng sâu đậm. Một tinh thần tự do. Triệt tiêu mọi bờ bến khuôn định, lực cản. Và tôi, người học trò trung thành mà ông không hề biết.

Tại sao tôi phát biểu thơ Ly Hoàng Ly lạ? Bởi vì trong cuộc thi thơ trẻ khá có tư thế, trọng lượng của tờ báo có uy tín, đem lại nhiều xúc cảm tươi mới cho đời sống sáng tạo của chúng tôi ngày ấy cả hai lần Ly đều đoạt giải. Và cả hai lần tôi “bắn” thơ vào đều bị “nổ” ngoài rìa. Chứng tỏ họng súng thơ của tôi đôi lúc không có hiệu lực (!). Và trước những vị giám khảo là những xạ thủ trứ danh như các nhà văn, nhà thơ Chim Trắng, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Thái Dương, Đoàn Thạch Biền, Hồ Thi Ca…để tất cả các ông cần nhắc dành cho một phiếu đồng hạng cao không phải là dễ. Và Ly Hoàng Ly lúc bấy giờ đúng là Cỏ Trắng (có thể tách rời hai từ Cỏ và Trắng) lại gây “ép-phê” một cách dễ dàng. Có một điều tôi biết các thi sĩ đều là những người bị đau tim (*). Riêng ông Chim Trắng và ông Đỗ Trung Quân còn bị đau rất nặng. Có thể đột quỵ bất cứ lúc nào thì Ly đem đến thuốc giảm đau cho họ “Những người đau tim rất sợ đến một lúc phải yêu / Nhưng chỉ yêu một lần rồi chết…”. Ô, các nhà thơ chân chính trên khắp thế giới bao giờ cũng tham lam muốn yêu và được yêu thật nhiều lần mà không phải chết tí nào. Trong cơn đau tình cờ bị đánh thức hay nhắc nhở vụt hiện ấy, tất cả đành phải chấm một giải thơ cao nhất cho Ly.

Nhưng tôi còn nghĩ có nhiều điều cần phải giám định lại cho thi ca Việt Nam. Những kênh nào là của nhà thơ? Hãy nhân danh tự do của một cá thể sáng tạo độc lập anh hãy tự lựa chọn: thơ của sự rơi, của phận người, thơ của một chiều thẳng đứng, thơ của chất vấn,  của đảo lộn choáng mặt, thơ của những tương quan giữa bên trong và bên ngoài, trung tâm và ngoại vi, ngôn từ và im lặng, của vắng mặt và hiện diện…Như vậy phải chăng vấn đề lớn của thế kỷ là mở rộng tầm nhìn, thay đổi các thuộc tính, đặc thù hóa đã được xác định, xác lập trong thơ. Thơ cần những đường biên hay đại dương mới. Trong một sự dao động dữ dội, mọi trật tự hoán vị đã được xếp đặt trở lại. Dường như tình hình “sản xuất” thơ đương đại của chúng ta lâu nay vẫn còn tư duy một chiều, kéo lê công nghệ dây chuyền, máy móc lạc hậu mòn cũ. Theo tôi, Ly và một vài nhà thơ trẻ khác đem đến một không khí rất gợi mở và lạc quan cho thơ. Như thơ phải là một cái gì đó đi một mạch và cắt đứt mọi thứ trên đường đi hay điểm rơi của nó. Thơ, một xâm nhập bao trùm và toàn diện để cuối cùng bật lên tiếng nổ lạc lõng. Tiếng nổ ấy làm “vỡ tim” hay “chết” bạn đọc.

Nhiều bài trong tập thơ Cỏ Trắng (**) đúng là sự rơi ấy. Rơi không tính toán vụ lợi. Rơi hồn nhiên ngu ngơ không ngờ. Tôi yêu cảm giác trong trẻo ở thơ Ly. Cái cảm giác ý vị như nhựa ứa từ trái non mà nhà thơ Đỗ Trung Quân khi giới thiệu đã đọc tên một cách tinh tế rằng “tình xanh khi chưa lo sợ”. (Tuy nhiên, cũng phải nói thêm một chút, trong ngữ cảnh này thì đúng là phát hiện của Đỗ, nhưng truy tầm gốc sâu xa hơn, hình như Đỗ đã mượn lại một ca từ trong một bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy).

Đọc Cỏ Trắng trước tiên phải nhập vào được thế giới trong như pha lê dễ vỡ, khó định vị ấy. Bởi làm sao mà tìm kiếm “Đồng hai xu lơ lửng trên trời” hay đáo để “Sằng sặc cười như con trai / Chuốt móng tay / Em ước mình được là cỏ trắng”. Sự trong trắng có thể ví hay so sánh với tiết trinh của cô gái. Chỉ có một lần rồi sẽ đổ vỡ “Có một ngày tôi đi về phía xa ấy / Nơi không còn anh / Đồng hoa dại rưng rưng bật khóc / Những vì sao bay lên trời”…Trong sự rơi tự do dẫn đến mất dần trọng lượng. Nhà thơ tự sản sinh ra từng cấp độ hình ảnh và cuối cùng như chỉ còn tìm thấy vận tốc nhanh như lốc cuốn hay chớp lóe siêu hình lối đi của ánh sáng. Từ đây rung động đáy rễ giác quan để tâm hồn mở ra những con mắt nhiều ô để tiếp cận, khai mở hay lãnh hội cái Đẹp.

Đọc Cỏ Trắng còn cho tôi cảm giác thơ hay hoàn toàn không có sự chuẩn bị. Nói cách khác mọi sự chuẩn bị đều bất hợp lý với thơ. Thơ tự nhiên đến, tự nhiên đi. Nó lấp đầy những khoảng trống trong tâm hồn cũng như đã bộc lộ sự cô đơn trơ lậu đến khủng khiếp. Nó là sa mạc. Là cái chết. Nhưng cũng chính là đại dương sinh sôi từ máu mặn. Là một bạn thơ cùng thế hệ, có lẽ viết thật nhiều về nhau mang tính tụng ca thật không phải nhưng Cỏ Trắng là tập thơ có rất nhiều chấm phá. Một tập thơ có thể phá vỡ cái tên Ly Hoàng Ly để tái cấu trúc của một tên mới: Ly Cỏ Trắng.

Trên hành trình hiểm trở của thơ, tôi luôn nghĩ thơ luôn phá vỡ những cái tên, những cấu trúc để cộng thêm vào đó. Như những nguyên tố cộng thêm bởi nguyên tử. Và hạt nhân tổng hợp nguyên tử nổ ra hay sản sinh ra thời đại mới. Trước thềm thiên niên kỷ những tập thơ như Bài ca những con chim đêm – Nguyễn Quang Thiều, Khát – Vi Thùy Linh, Người đi chăn song biển – Văn Cầm Hải, Khí hậu đồ vật – Nguyễn Quốc Chánh, Ngựa biển – Hoàng Hưng, Giọng nói mơ hồ – Nguyễn Hữu Hồng Minh… là những nguyên tố giải từ những phương trình ngôn ngữ thuần túy, những phản quang độc đáo , vượt khung khổ phát song tìm nhau. Nói cách khác, thơ đang chuyển động. Tại sao không? Như một tư tưởng hàn kín gửi gắm qua ý thơ của nhà thơ hiện đại Pháp, nhà thơ Yves Bonnefoy, mà dịch giả Huỳnh Phan Anh dịch: “Tất cả những gì tồn tại đều động đậy như một con tàu đang chuyển hướng…”.

Sài gòn, 12.1999

Nguyễn Hữu Hồng Minh

—————————–

*Lời giới thiệu của tòa soạn: Ly Hoàng Ly là một gương mặt thơ trẻ gặt hái được nhiều thành công ngay từ khi bắt đầu xuất hiện. gương mặt thơ này cũng đã được quan tâm giới thiệu nhiều lần, nhưng đặc biệt lần nay người viết về chị cũng là một cây bút thơ cùng trang lứa. Một người bạn nói về bạn của mình sẽ là những lời chân thành và “hiểu biết”… (Văn Nghệ TP.HCM)


Chú thích:

(*)Ý thơ Nguyễn Trọng Tạo “Những người cực tốt / Trái tim thường hay đau”…  (**) Cỏ Trắng – Thơ Ly Hoàng Ly – NXB.Hội Nhà Văn 1999.

——————

*Bài “Ly Cỏ Trắng” của nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh đăng lần đầu tiên trên báo Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh số 4 có nhan đề Tản mạn về Ly “Cỏ Trắng” ra ngày 17.2.2000.