ĐÊM TRONG THƠ LY HOÀNG LY DƯỚI GÓC ĐỘ NGÔN NGỮ HỌC TRI NHẬN

Dương Bảo Linh

[+link]

Ngôn ngữ học tri nhận là một trường phái mới của ngôn ngữ học hiện đại, nghiên cứu ngôn ngữ dựa trên vốn kinh nghiệm và sự cảm thụ của con người về thế giới khách quan cũng như cách thức mà con người tri giác và ý niệm hóa các sự vật và sự tình của thế giới khách quan đó. Ngôn ngữ học tri nhận quan niệm rằng ngữ nghĩa và ngữ pháp là sự ý niệm hóa, từ đó, quá trình sử dụng ngôn ngữ làm nảy sinh tri thức ngôn ngữ. Đây là một trường phái rất mới của ngôn ngữ học nếu tính từ thời điểm ra đời chính thức của nó. Năm 1989, hội thảo ngôn ngữ học tại Duisburg (Đức) đã thông qua quyết nghị thành lập Hội ngôn ngữ học tri nhận và sau đó cho ra đời tạp chí “Cognitive Linguitics”. Tuy nhiên, trước 1989 đã có nhiều công trình áp dụng quan điểm tri nhận luận để nghiên cứu các hiện tượng ngôn ngữ và ngày nay vẫn được coi là mẫu mực, ví dụ như công trình ngữ pháp tri nhận của Langacker, ngữ nghĩa học khung của Fillmore, ngữ nghĩa học tạo sinh của Lakoff… Dù chưa phải là một phân ngành chính thức của ngôn ngữ học như ngôn ngữ học xã hội hay ngôn ngữ học tâm lý… nhưng ngôn ngữ học tri nhận đã có ảnh hưởng rất lớn đến khoa học ngôn ngữ nói chung. Chỉ trong một phạm vi hẹp là khoa Văn học và Ngôn ngữ, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Tp.HCM, năm 2009 đã có ít nhất hai công trình vận dụng các quan điểm của ngôn ngữ học tri nhận vào việc nghiên cứu các tác phẩm nghệ thuật. Đó là Ẩn dụ tri nhận – mô hình ẩn dụ cấu trúc trên cứ liệu ca từ Trịnh Công Sơn (Nguyễn Thị Thanh Huyền, Luận văn thạc sĩ khoa học Ngữ văn) và Ẩn dụ tri nhận trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng (Trần Thị Thúy An, Đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên). Điều đó cho thấy khả năng ứng dụng cao của ngôn ngữ học tri nhận.

Ly Hoàng Ly là một gương mặt tiêu biểu của thơ nữ đương đại. Được biết đến với tư cách là con gái nhà thơ Hoàng Hưng, chị đã dần tách khỏi cái bóng của cha mình và tạo được một thương hiệu thơ riêng biệt. Là nhà thơ nhưng xuất thân từ Đại học Mỹ thuật, Ly xông xáo trong nhiều lĩnh vực như nghệ thuật sắp đặt Installation, nghệ thuật trình diễn Performance và gây được nhiều tiếng vang từ những tác phẩm của mình. Chị đã xuất bản ba tập thơ: Cỏ Trắng (xuất bản 1999 – giải thưởng Mai Vàng của báo Người lao động), Lô Lô (xuất bản 2005 – giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (từ chối nhận giải)), Quà (2008). Là nhà thơ có tiếng trên thi đàn, thơ Ly Hoàng Ly thu hút rất nhiều sự quan tâm của cả giới phê bình và người đọc. Song cho đến nay vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu một cách hệ thống thơ Ly Hoàng Ly, và việc áp dụng các quan điểm của ngôn ngữ học tri nhận vào việc khám phá thế giới thơ Ly là hoàn toàn chưa có.

Một số tập thơ đã xuất bản của Ly Hoàng Ly

Theo số liệu thống kê của Trần Hoài Anh, đêm xuất hiện dày đặc trong thơ Ly Hoàng Ly với mức độ tăng tiến: tập Cỏ Trắng có 14/38 bài (chiếm 36.8%) sử dụng từ đêm, đến tập Lô Lô tỷ lệ này đã lên đến 27/38 bài (63.2%). Đó là một thống kê đơn giản về số bài thơ có xuất hiện từ này, nếu ta xem xét tần suất của từ đêm trong từng bài thơ thì sẽ có một kết quả ấn tượng hơn nữa. Có người đã định danh đây là “ám ảnh đêm trong thơ Ly Hoàng Ly”, và cũng vì vậy mà khi khảo sát thơ Ly người ta thường chú ý đến đêm. Xem xét từ này dưới góc độ ngôn ngữ học tri nhận là cần thiết để góp phần hoàn thiện việc khám phá ý nghĩa của hình tượng, đồng thời nó cho phép chúng ta hình dung hướng tư duy của nhà thơ.Bài viết này khảo sát đêm như một ẩn dụ tri nhận. Theo G.Lakoff và M.Jonhson trong Metaphors We Live By thì ẩn dụ tri nhận gồm 4 loại: ẩn dụ cấu trúc, ẩn dụ định hướng, ẩn dụ bản thể và ẩn dụ vật chứa. Ẩn dụ cấu trúc là những ẩn dụ tri nhận ý niệm hóa các phạm trù trừu tượng dựa vào kinh nghiệm về các phạm trù cụ thể. Ẩn dụ định hướng là sự ý niệm hóa không gian cho các phạm trù. Ẩn dụ bản thể là quá trình vật thể hóa các bản thể trừu tượng và vạch ranh giới của chúng trong không gian. Ẩn dụ vật chứa phạm trù hóa các sự vật và hiện tượng thành các ý niệm vật chứa. Bài viết này chỉ khảo sát đêm trong thơ Ly Hoàng Ly ở hai dạng là ẩn dụ cấu trúc và ẩn dụ định hướng. Nguồn khảo sát là tập thơ Lô Lô.

Ẩn dụ cấu trúc: ĐÊM là MỘT SINH THỂ

Có 2 phạm trù hình thành nên các ẩn dụ cấu trúc là phạm trù nguồn và phạm trù cơ sở. Ẩn dụ cấu trúc chỉ xuất hiện khi trong kinh nghiệm của người nói giữa hai phạm trù này có các đặc điểm tương đồng. Ví dụ nổi tiếng của Lakoff và Jonhson là “THỜI GIAN là TIỀN BẠC” cho thấy quá trình gán các thuộc tính của phạm trù nguồn sang phạm trù cơ sở. Xem đêm trong thơ Ly Hoàng Ly là phạm trù cơ sở, chúng ta gặp các trường hợp sau:

– Hãy bắt đêm
Nhốt trong lon đựng dế
Để đêm gáy lên
Gáy lên
Cho đến khi trời xanh

– Soi vào gương thấy đêm hốc hác

– Bật nhạc lên cho đêm không ngủ nữa

– Người phụ nữ không tìm thấy xác mình
Chỉ thấy rêu xanh lét chân tường
Chỉ thấy đêm đầm đìa nước mắt

– Cửa sổ mở ra cơn mưa vỡ nước ối bầu trời đêm

– Đêm đã chết từ một nghị quyết

Qua các ví dụ trên, có thể thấy Ly Hoàng Ly đã gán cho đêm những thuộc tính sau của sinh vật: 1/ có hình hài (bắt được, nhốt được, bị hốc hác đi); 2/ có suy tư (không ngủ, đầm đìa nước mắt); 3/ có sinh mệnh (sống/chết), có khả năng sinh sản (vỡ nước ối). Tất cả những thuộc tính còn lại cho phép người đọc hình dung đêm là một con người, thậm chí có thể đi xa hơn nữa khi nói rằng con người này có tính nữ. Song dường như thuộc tính gáy nằm ngoài hệ thống này? Thực ra, tập Lô Lô khắc họa một thế giới phân rã mà trong đó ngôn ngữ con người hầu như bị tiêu biến. Các nhân vật trữ tình đều “im lặng”, “không nói”, hoặc chỉ ú ớ, “lẩm bẩm”. Nếu đặt gáy khung cảnh đó thì hoàn toàn có thể coi đó là một biến dạng của hành động nói, và như vậy hệ thống các thuộc tính được gán cho đêm là thống nhất. Một điều dễ nhận thấy là các thuộc tính được gán này bao giờ cũng tương đồng với tâm trạng của nhân vật trữ tình. Ví dụ số 2 nêu trên cho thấy thế đối xứng: EM-ở ngoài gương / ĐÊM-ở trong gương, đều hốc hác như nhau. Ở ví dụ số 3 mô hình đối xứng như sau (so sánh phần đầu và phần cuối bài thơ):

Bài thơ: Nửa đêm

Phần đầu                                                                                 Phần cuối

Đêm giật mình thức giấc                                               Đêm rót lên mình những giọt lạnh
(biểu hiện)                                                                                (biểu hiện)

gán thuộc tính

Không thấy anh bên cạnh                                             Bật nhạc lên cho đêm không ngủ nữa

(nguyên nhân)                                                                        (kết quả)

Xem xét trường hợp 3 và 4 cũng thấy có tình trạng tương tự. Đêm đầm đìa nước mắt khi người đàn bà “rồi bỗng mếu rồi bỗng khóc/ rồi giật đùng đùng/ rồi gào lên ấm ức/ rồi rú lên tuyệt vọng”. Đêm vỡ nước ối khi người đàn bà đang trong quá trình sinh nở. Rõ ràng nhà thơ cố tình gán các thuộc tính của nhân vật trữ tình cho đối tượng là đêm, hay nói cách khác, nhân vật trữ tình cố gắng tìm kiếm sự đồng cảm ở ngoại cảnh trong tâm trạng cô đơn đến cùng cực. Với quá trình ý niệm hóa này, đêm đã trở thành người tâm tình – người đồng cảnh ngộ với nhân vật.

Theo các phân tích trên, có thể đưa ra quá trình ý niệm hóa đêm của Ly Hoàng Ly như sau: ĐÊM là MỘT SINH THỂ → ĐÊM là MỘT CON NGƯỜI → ĐÊM là CON NGƯỜI CÓ TÍNH NỮ. Không thể nói quá trình ý niệm hóa này là kết quả của tư duy độc lập của Ly dù cá tính sáng tạo của nhà thơ là không thể phủ nhận. Thơ ca từ trước đến nay vẫn coi đêm là người bạn đồng hành với con người trong những thời khắc xáo động nhất của tâm trạng. Ẩn dụ của Ly Hoàng Ly chỉ là sự cụ thể hóa, hữu hình hóa người bạn đồng hành đó mà thôi.

 Thụy Khuê nói về tập thơ Lô Lô của Ly Hoàng Ly, ngày 25/02/2006
 

Ẩn dụ cấu trúc: ĐÊM là MỘT VẬT THỂ

Ở ẩn dụ ĐÊM là MỘT SINH THỂ thì đêm là đối tượng để nhân vật trữ tình hướng tới nhằm chia sẻ và tìm đồng cảm – tức đã có tư cách một chủ thể tâm trạng độc lập với nhân vật trữ tình. Ẩn dụ ĐÊM là MỘT VẬT THỂ lại cho thấy một cách nhìn khác của nhà thơ, đêm chỉ còn là công cụ thể hiện cảm xúc của nhân vật trữ tình, tiếp nhận phản ứng một cách thụ động và không có phản ứng ngược lại. Ẩn dụ này xuất hiện trong một số câu thơ như sau:

– Cắt đêm ra từng mảnh nhỏ
Khâu đêm lại bằng tóc

– Muốn đập đêm vỡ tan
Đêm sẽ nát vụn và bắn tung tóe như đá cục
Rồi chảy ra thành nước

– Ô đêm mỏng mòng mong

– Gói đêm vào lá chuối

Ở ẩn dụ này phạm trù cơ sở vẫn là đêm, nhưng phạm trù nguồn đã thay đổi. Nhà thơ ứng xử với đêm như một vật thể. Từ những hành động “cắt”, “khâu”, “đập”, “gói”; những thuộc tính “từng mảnh”, “vỡ tan”, “nát vụn”, “bắn tung tóe”, “mỏng” hoàn toàn có thể hình dung đêm là một cái gì đông đặc lại thành một khối. Cụm từ “chảy ra thành nước” cho thấy sự ý niệm hóa của Ly Hoàng Ly có cơ sở nhưng đã tiến thêm một bước so với ẩn dụ cấu trúc thông thường. Chúng ta hay nói “thời gian ngưng đọng”, có nghĩa là trong quan niệm của chúng ta THỜI GIAN là MỘT DÒNG CHẢY và trong một khoảnh khắc nào đó nó đang bị dồn ứ lại. Từ cái nền đó Ly Hoàng Ly đẩy quá trình ý niệm đi xa hơn khi cho “chất lỏng” thời gian đông đặc lại như một vật rắn.

Trong trường hợp này đêm là vật vô tri, căn cứ vào tình trạng của “khối” đêm có thể biết tâm trạng của nhân vật trữ tình chứ tự nó không có tâm trạng. Điều này khác với ẩn dụ cấu trúc đã phân tích trong phần 1. Nếu đêm là một sinh thể, nó giúp nhân vật trữ tình thổ lộ cảm xúc và ngược lại trở thành người cùng cảnh ngộ/ người đồng lõa với nhân vật. Còn khi đêm là một vật thể thì sự tác động chỉ có một chiều từ phía nhân vật. Tuy vậy, vật thể đêm không tồn tại với một hình thức đơn nhất mà thường có sự chuyển hóa. Ở trạng thái bình thường nó là một chất lỏng (Kìa đêm chảy/ chảy lên trời), rồi đông thành một khối, khi gặp hành động biểu hiện cho phản ứng tâm lý của nhân vật trữ tình, nó lại trở về dạng thể cũ. Hình thức tồn tại của đêm mang dấu ấn rõ ràng của nghệ thuật tạo hình (dòng chảy, khối, giọt – ai ghim giọt đêm cuối cùng lên nệm). Điều này cũng dễ hiểu vì nhà thơ đồng thời là một họa sĩ.

Có thể thấy nhân vật trữ tình có hai cách ứng xử trái ngược với vật thể đêm: đập vỡ ra > < khâu lại – một bên là phá bỏ, bên kia là hàn gắn. Hai hướng hành động này, cùng với các góc nhìn khác nhau về đêm cho thấy sự bất ổn, sự trăn trở trong tâm hồn người phụ nữ – nhân vật trung tâm của tập thơ.

Ẩn dụ định hướng: ĐÊM HƯỚNG LÊN TRÊN

Ẩn dụ định hướng không có phạm trù nguồn cụ thể mà nó là sự ý niệm hóa cả một hệ thống phạm trù cơ sở dựa theo mẫu của một hệ thống phạm trù khác. Lakoff và Jonhson đã đưa ra một loạt các ẩn dụ định hướng cho thấy xu hướng rất rõ là các phạm trù mang nghĩa tích cực thường được định hướng lên trên, trong khi các phạm trù mang nghĩa tiêu cực hầu như được định hướng xuống dưới. Có thể kể ra một vài cặp phạm trù đối lập có cùng cơ chế này: hạnh phúc – bất hạnh, sức khỏe – bệnh tật, cái tốt – cái xấu. Việc định hướng này cũng tùy thuộc vào quan niệm và nền văn hóa của người nói. Đặc điểm này khá quan trọng và rất đáng chú ý khi khảo sát quá trình định hướng ý niệm của Ly Hoàng Ly. Thông thường, người Việt chúng ta vẫn quen nói: ĐÊM XUỐNG, NGÀY MỚI LÊN – có nghĩa là ngầm xếp đêm vào các giá trị tiêu cực trong thế đối sánh với ngày. Nhưng đêm trong thơ Ly Hoàng Ly lại được định hướng rất khác. Chúng ta có các ví dụ sau:

Kìa đêm chảy
Chảy lên trời

Đợi đêm lên tới ngọn
Đợi cảm giác tồn tại lên tới ngọn
Lên tới ngọn của đêm

Cứ đến 11h30 là cơn lụt đêm đã lên tới thành giường

Đêm vào đầy trong mắt
Tràn lên gối
Lên chăn
Lên tóc

Chiều
Im im và sạch sẽ
Ngồi trong phòng tắm
Im im chờ đêm lên

Lý giải điều này như thế nào? Có thể trong cảm quan lâu nay của người Việt, đêm được xem là cuối ngày, vì thế mà đêm càng khuya thì thời gian càng trở nên mất giá trị – tất nhiên cách nhìn nhận này phải gắn liền với một ẩn dụ cấu trúc nữa: THỜI GIAN là TIỀN BẠC. Do đó đêm trong đối sánh với ngày bao giờ cũng “mất giá” hơn và bị định hướng xuống. Song, với nhà thơ nữ chúng ta đang khảo sát thì khác. Ly luôn cho rằng đêm có giá trị hơn ngày. Có thể thấy điều này trong một số bài thơ của cô. Đêm có giá trị nên “gói đêm vào lá chuối/ nửa đêm ra chợ bán”, nên phải chờ người biết nhận ra chân giá trị: “người đa tình không bao giờ biết thưởng thức đêm/ trên mặt người đàn bà có chồng”, và giá trị của đêm khơi dậy giá trị của con người “chỉ trong đêm người đàn bà mới đẫy đà”. Đây không phải là cảm quan của riêng Ly Hoàng Ly mà là cảm quan chung của thơ nữ đương đại. Chúng ta có thể bắt gặp những lối nói tương tự trong thơ Vi Thùy Linh – lấy đêm làm thời gian sinh tồn chính, bởi vậy nâng cao giá trị của nó lên.

Một điều nữa cũng rất đáng chú ý trong ẩn dụ định hướng này là các biểu ngữ đi kèm với từ định hướng. Trong các ẩn dụ định hướng thông thường thì đi kèm với từ định hướng là các biểu ngữ tương đồng, ví dụ: giá cả rớt xuống thảm hại, ngẩng đầu lên mà đi, tức là các biểu ngữ cũng có hướng đồng nhất với từ định hướng. Song cách kết hợp từ của Ly Hoàng Ly không như vậy. Ở các ví dụ đã dẫn, chúng ta thấy “chảy lên”, “tràn lên”, “ngập lên” – chỉ có “ngập lên” là kết hợp thông thường. Với hai trường hợp còn lại, người ta thường nói “chảy xuống” (hướng vận động: ↓), “tràn ra” hoặc “tràn vào” (hướng vận động theo chiều ngang: ←/➔). Điều đó cho thấy nhà thơ không quan tâm đến hình thức vận động mà chỉ quan tâm đến chiều hướng vận động của thời gian, cụ thể là của đêm.

Với ẩn dụ định hướng này, đêm không phải là đối tượng chia sẻ mà là không gian tâm sự của nhân vật trữ tình.

Qua những khảo sát trên, có thể thấy hình tượng đêm trong thơ Ly Hoàng Ly có những tầng nghĩa sau: 1. thời gian – nghĩa thông thường; 2. công cụ giải tỏa cảm xúc của nhân vật trữ tình; 3. đối tượng đồng cảm, chia sẻ với nhân vật trữ tình. Đó chỉ là kết luận khi khảo sát ẩn dụ tri nhận ở hai dạng, nếu khảo sát đầy đủ hơn nữa thì có thể sẽ phát hiện thêm những tầng nghĩa khác. Sự đa dạng về ý nghĩa của hình tượng cho thấy tâm thức sáng tạo của nghệ sĩ luôn luôn vận động và đa diện.

Tuy vậy, không thể khẳng định đây là sự sáng tạo riêng, hoàn toàn độc lập của nhà thơ. Quá trình ý niệm hóa của Ly chịu ảnh hưởng một cách rõ ràng từ quan niệm truyền thống của cộng đồng – cái mà ngôn ngữ học tri nhận gọi là vốn kinh nghiệm tích lũy được hàng ngày khi sử dụng ngôn ngữ. Cá nhân người viết cho rằng, dù ở nét nghĩa khác biệt so với quan niệm vốn có đã phân tích ở mục 3, thì quá trình ý niệm hóa của Ly vẫn phản ánh cách nhìn chung của thế hệ trẻ đương đại, và chúng ta có thể gặp lại cái nhìn đó ở sáng tác của các nhà thơ đương đại khác.Với những nhà thơ đương đại, việc đánh giá và nhận xét vẫn là quá sớm và thiếu cơ sở vì bản thân họ chưa đi hết con đường sáng tạo của riêng mình, còn người đọc thì chưa có độ lùi thời gian cần thiết để nhìn nhận. Dù sao, việc nghiên cứu vẫn có tác dụng khích lệ, hay là một kiểu đối thoại giữa độc giả với các hiện tượng văn học đương đại. Hướng nghiên cứu theo ngôn ngữ học tri nhận có thể xem là con đường trực diện nhất, vì nó đi thẳng vào chất liệu của văn học, đồng thời khám phá quá trình ý niệm hóa thế giới của nhà thơ.

-2011-

Your email address will not be published. Required fields are marked *