Khuôn mặt nhà thơ trẻ Ly Hoàng Ly

Bùi Công Thuấn

[+link1]

[+link2]

Có người sinh trong đêm Có người khóc trong đêm Có người cười trong đêm

Ngôn ngữ là ký hiệu được mã hóa, nó chứa đựng những tín niệm của cộng đồng. Ngôn ngữ trong tay nhà thơ lại được mã hoá một lần nưã. Tuỳ theo kiểu tư duy nghệ thuật, mỗi nhà thơ có cách mã hoá ngôn ngữ khác nhau. Muốn đọc được thơ, người đọc phải tìm được cách giải mã, tức là cái chià phoá để mở cưả vào vườn thơ. Ly Hoàng Ly  có cách mã hóa riêng, tạo nên khuôn mặt thơ riêng. Ly Hoàng Ly vưà là nhà thơ, vưà là hoạ sĩ, nghệ sĩ cuả nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn (Installation art và Performance art). LHL thổ lộ: “Installation, Performance art nó cũng ảnh hưởng và tạo cảm hứng rất nhiều khi Ly làm thơ …khi làm thơ thì dĩ nhiên nó xuất phát từ những con chữ, nhưng con người Ly lúc đó đầy hình ảnh về Installation, Performance art, những suy nghĩ về nó, chắc chắn không cần phải cố tình gì cả, tự nó bật ra thôi “Như vậy muốn đọc được thơ LHL nhất thiết phải đọc trong tương quan nghệ thuật sắp đặt và trình diễn

Theo Như Huy, tác phẩm cuà Nghệ Thuật Sắp Đặt chỉ tạo nên một không gian giúp người xem thư giãn và thưởng thức, để rồi tự diễn giải, chứ không áp đặt một thông điệp hay quan điểm tư tưởng rõ rệt nào từ tác giả. Người xem hãy huy động tối đa trí tưởng tượng của bản thân và điều cốt yếu là phải tin vào chính mình, vào chính câu chuyện mà mình tìm thấy.

Nghệ Thuật Trình Diễn (Performance Art – P.A) là tác phẩm được trình bày bằng cơ thể nghệ sĩ trong một khoảng thời gian, không gian nhất định, trong đó sự giao lưu tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả là yếu tố chủ chốt. P.A là sự kết hợp của rất nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn như sân khấu, âm nhạc, múa, đan xen nhiều phong cách sáng tạo nghệ thuật khác nhau trong đó có nghệ thuật khái niệm, sắp đặt, video, âm nhạc, nhiếp ảnh…Nếu những yếu tố này tách riêng thì tác phẩm không được coi là P.A.

Thử đọc Phòng trắng

Tôi trong phòng trắng
Tại sao to tiếng với tôi
Tại sao nhìn tôi hằn học
Tôi trong phòng trắng
Tại sao õng ẹo với tôi
Tại sao cầm tay tôi rồi giật giật
Tôi trong phòng trắng
Tại sao uống nước mắt tôi
Tại sao cài tóc tôi vào lược
Tôi trong phòng trắng
Tại sao bẹo má tôi
Tại sao rót đầy bia vào giày tôi
Tôi kêu gào
Không ai nghe thấy tôi
Không ai nhìn thấy môi tôi cử động

Tôi trong phòng trắng
Tại sao giận dữ với tôi
Tại sao ném rau xanh vãi khắp người tôi
Tôi trong phòng trắng
Tại sao đi ngang qua tôi mà không thèm nhìn
Tại sao làm cho tôi thương tổn
Tôi trong phòng trắng
Không ai nhìn thấy tôi
Không ai nhìn thấy
phòng trắng
Tôi cũng không nhìn thấy tôi
Tôi cũng trắng như phòng trắng

Tại sao tôi lại trắng và lại trong phòng trắng 
Đó mới chính là câu hỏi phải được hỏi ngay từ đầu
Nhưng vì đầu tôi cũng trắng nên tôi không có câu trả lời.

Bài thơ như lời thoại cuả một màn kịch độc diễn. Không gian là một phòng trắng, không gian tù hãm.. Quay hướng nào cũng là  phòng trắng. Nhân vật tôi độc thọai với chính mình, cũng là đối thoại với mọi người “Tại sao to tiếng với tôi / Tại sao nhìn tôi hằn học”.. “Tại sao đi ngang qua tôi mà không thèm nhìn / Tại sao làm cho tôi thương tổn“. Mỗi thời thoại đều có thể diễn thành một  hành động kịch, có thể  được nói lên bằng mọi cung bậc âm thanh và tâm trạng, có khi nhẹ nhàng, có khi gay gắt, có khi tủi thân, có khi van nài, có khi thất vọng: ”Không ai nhìn thấy tôi / Tôi cũng không nhìn thấy tôi / Tôi cũng trắng như phòng trắng. Nỗi bi đát lên đỉnh điểm cuả cao trào kịch là khi nhân vật tôi nhận ra rằng: “… đầu tôi cũng trắng nên tôi không có câu trả lời.

Người đọc (ngươì xem diễn) có thể đọc thông điệp trực tiếp từ màn diễn, thông qua lời thoại và thái độ diễn. Thực tại cuả nhân vật tôi là thực vong thân, một thực tại bi đát không sao cứu giải.. Bắt đầu bằng sự bị đối xử tàn nhẫn, sự ruồng bỏ: bị to tiếng, bị hằn học, bẹo má, giận dữ, ném rau, rồi làm thương tổn, không thèm nhìn.. sau cùng  tôi đánh mất mình trong mắt mọi người và cả với chính tôi: Tôi cũng không nhìn thấy tôi / Tôi cũng trắng như phòng trắng. Nỗi bi đát không kìm nén được là ở sự vong thân cuả chính ý thức về  tồn tại. Tra hỏi về tồn tại nhưng lại đánh mất cả ý thức về sự tra hỏi. Nhưng vì đầu tôi cũng trắng nên tôi không có câu trả lời.

Cũng có thể có những cảm nhận theo góc nhìn cuả người xem,  khác với thông điệp cuả nhân vật tôi. Người đọc có thể nghĩ rằng tôi là một nhân vật hoang tưởng, đang trong trạng thái tâm thần. Anh ta ở đó trong căn phòng, hiện diện sờ sờ ra đó, đang diễn trò hỉ nộ.. trước mặt mọi người,  ai cũng thấy anh ta, chẳng ai làm tổn thương gì anh ta. Tình cảnh hoang tưởng cuả anh ta là đáng thương. Người xem có thể mủi lòng, nhìn anh, nghe anh ta hỏi tại sao đi ngang qua tôi mà không thèm nhìn /Tại sao làm cho tôi thương tổn, rồi tự vấn rằng, mình có vô tâm không, có ác tâm với anh ta không.

Tuy nhiên cảnh diễn ấy không có trong đời thực, bài thơ chuyển hoá thành ý nghiã tượng trưng hay một bức tranh ẩn dụ. Đó là tình trạng vong thân cuả con người trong thế giới tù hãm vô cảm. Maù trắng trong thơ Ly Hoàng Ly không phải là màu trắng, mà là sự trống không, sự đánh mất tất cả, là vong thân.Vì là một cảnh diễn được miêu tả trực tiếp, tự nó có nhiều ẩn nghiã, cho phép người đọc tham gia vào để tự tìm lấy ý nghiã nào đó cho mình. Không có sự áp đặt những thong điệp cuả tác giả.

Những bài thơ như Người Đàn Bà và Căn Nhà Cổ, Thuật Ướp Xác, Perfomance Ham bơ gơ, Ăn Xin Hạnh Phúc, Performance Trứng, Hành Xác và Thử Nghiệm, Performance Foto, Khắc Hoạ..đều được viết và được đọc như xem Nghệ thuật Trình diễn. Tác giả đặt người đọc (người xem) trước những thực tại nghê thuật, từ đó tự mình nhận ra ý nghiã thực tại đó. Chẳng hạn, bài thơ Người Đàn Bà và Căn Nhà Cổ là một bức tranh ẩn dụ, một sáng tạo nghệ thuật để thể hiện tư tưởng. Trong căn nhà cổ lạnh lẽo, hoen rỉ, ẩm mốc, đầy dán, người đàn bà mặc áo trắng ngồi bắt chéo chân, hút cạn đêm, nhà cổ ngập tiếng khóc, sau đó bà ta rã xác, hoài thai một  đưá bé gái mặc áo trắng đi ra ngoài trong đêm mưa, đêm vụt tắt và nắng như mưa rơi rơi, rưả sạch bụi bặm. Căn nhà cổ là hình ảnh cuả thế giới thực tại  rêu mốc lạnh ngắt, u uất, cáu đen, rỉ sét, chỉ có lũ gián tủa ra, chúng gặm nhấm những gì lành lặn cỏn lại, nhưng cái đẹp (người đàn bà mặc áo trắng) vẫn tồn tại trong tư thế ung dung và thách thức, cái đẹp hoài thai cái đẹp, làm hồi sinh ngôi nhà cổ, đem đến ánh sáng, rưả sạch bụi bặm cuả sự hoang vắng và tàn phai.

Bài Permormance Ham bơ gơ là cảnh diễn cuả một nhà ảo thuật ăn  bánh hăm bơ gơ cùng với đinh, trong trạng thái buồn. vui, chán, mệt, phiền bực, cáu, vứt và hát lên rằng

– Ơi buồn ơi vui ơi mi là đinh hay là ham bơ gơ? – Ơi vui ơi buồn ơi mi ở trong bụng ta hay ghim vào mắt ta?. Nhìn cảnh diễn ấy, sau mười hai phút bất động / Khán giả vỗ tay ra về. Khán giả cũngbuồn. vui, chán, mệt, phiền bực, cáu, vứt vui. Cảnh diễn ấy có ý nghiã gì? phải chăng là tình trạng buồn nôn (J.P.Sartre) trước thực tại.

Trong những bài được viết theo nghệ thuật trình diễn, nhà thơ vẽ lại cảnh diễn trực tiếp, trần trụi như nó đang diễn ra trước mắt người xem.Và có khi với tư cách người xem, tác giả thêm vào vài nhận xét, còn lại, cảnh diễn tự nó mang thông điệp tư tưởng và người đọc hoàn toàn tiếp nhận thông điệp ấy theo cảm nhận cuả mình. Ly Hoàng Ly đã tạo ra một cách thể hiện mới khác rất xa với thi pháp thơ Lãng mạn (1930-1945) và thơ Hiện thực XHCN (1945-1975), đồng thời cũng khác hẳn với những nhà thơ cùng thời như Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh Tài

Ly Hoàng Ly còn có những bài thơ viết theo nghệ thuật hội hoạ, có thể là ấn tượng hay tượng trưng. Điều này, khi sáng tác, Ly Hoàng Ly không bận tâm tới. Nhưng nếu người đọc không nắm được những đặc trưng cuả thi pháp thì không thể lĩnh hội điều Ly Hoàng Ly muốn nói. Xin đơn cử bài

Khúc Đêm

Quay lưng lại là đêm
Quay lưng lại là đêm
Quay lưng lại là đêm
Quay lưng lại là đêm
Quay lưng lại là đêm
Chỉ thấy đêm khi tâm thấy đêm
Chỉ thấy đêm khi tâm thấy đêm
Chỉ thấy đêm khi tâm thấy đêm
Phía trước mặt là đêm
Phía trước mặt là đêm
Phía trước mặt là đêm
Phía trước mặt là đêm
Không muốn đêm cũng thấy đêm
Không muốn đêm cũng thấy đêm
Trên đầu là đêm
Dưới chân cũng là đêm
Có người nằm trong đêm
Có người ôm lấy đêm
Có người sống trong đêm
Có người chết trong đêm
Có người sinh trong đêm
Có người khóc trong đêm
Có người cười trong đêm
Có người cưới trong đêm
Có người điên trong đêm
Nhắm mắt
Trùm kín chăn
Nghe đêm cuộn quanh mình

Người đọc nhận ra ngay ĐÊM  là một hình ảnh tượng trưng. Con người tồn tại trong Đêm, sống, chết, sinh nở, khóc cuời, cuới hỏi, điên trong Đêm, Quá khứ là đêm, tương lai cũng là đêm, không thể chạy trốn khỏi đêm dù có nhắm mắt lại trùm kín chăn, tuy nhiên con người lại không nhận ra tình trạng Đêm cuả mình trừ khi, Chỉ thấy đêm khi tâm thấy đêm. Bài thơ thoát ra ý nghiã tư tưởng. Nhưng Đêm là gì?

Ly Hoàng Ly có nhiều bài thơ dẫn người đọc khám phá Đêm. Đêm cuả những kiếp người lam lũ đời này sang đời khác (Ngưạ Đêm Bắc Hà), đêm cuả những  con thiêu thân trong truỵ lạc  trong những Discotheque. Đêm cuả những người đàn bà nghèo gói mưa, gói nắng vào lá chuối, tảo tần ngày, đêm mà vẫn trắng tay (Mỏng Mòng Mong), đêm tồn tại “vì nỗi buồn cuả những cô gái thích ngủ ngày “(Lụt Đêm) đêm cuả những tương phản gái điếm và chị lao công (Ảo Giác), Đêm là nỗi buồn trước thực tại ảo giác, “tất cả tất cả tất cả/ chỉ là ảo giác rơi rơi”(Lô Lô), nhưng Đêm còn là nỗi cô độc dày đặc cuả nhà thơ.

LHL cô độc trong tình yêu, trong những khát vọng lưả cháy nguội lạnh bất lực, một nỗi cô độc đen,  đặc quánh thê thiết

Em không biết đến tình yêu nồng nàn
Rượu tình yêu có say những đêm không anh
Người phụ nữ tự trói mình
Bằng sự dửng dưng của anh

Em không biết đến mây quấn quýt trăng
Ồn ào đưa gió lên cây

Người phụ nữ tự làm lạnh mình
Bằng sự hời hợt của anh

Em không biết đến tiếng hót đắm say
Đôi chim sẻ rúc rích bên nhau

Người phụ nữ tự trầm cảm
Bằng giấc ngủ của anh.

                             (Trầm cảm)

Thức được nữa không anh
Đem tình yêu
rọi nắng
Đêm là của chúng mình
Tình yêu thắp sáng đêm

Đêm là của chúng mình
Sao nỡ ngủ
hở anh

Em đành thức một mình
Những đêm đèn sáng trưng
Chiếc chăn bò trước ngực
Lạnh buốt
                 (Đêm là của chúng mình)

Đêm giật mình thức giấc
Không thấy anh bên cạnh …
Không hiểu sao lòng bàn tay đầy nước
Đêm rót lên mình những giọt lạnh

                  (Nưả Đêm)

Chầm chậm, mở một chiếc nút áo
Soi vào gương chầm chậm, mở hai chiếc nút áo …
…Mở mãi, muốn mở mãi
Mở bầu trời đêm trong lồng ngực

Mở mãi, muốn mở mãi
Bầu ngực này căng đêm
Soi vào gương
Bất lực và khóc

Trong vô vàn những giọt nước mắt
Một giọt đêm ứa ra từ bầu ngực trắng.
                                (Mở nút đêm)

Trầm cảm và bất lực, tâm hồn người phụ nữ tê liệt. Mắt quầng thâm. Không thể nhìn thấy anh bằng xúc giác, không thể nhìn thấy anh bằng vị giác, không thể nhìn thấy anh bằng thính giác (Đêm và anh). Đêm Trong Vườn, em lạnh buốt óc, buốt hơi thở, buốt ánh mắt. Em đi nhặt xác hoa, cũng là ôm lấy xác cuả mình trong  đỉnh đêm cô độc, vong thân,  chỉ còn lại trái tim khô. Tuy vậy, người phụ nữ vẫn nhìn lên

 Cắt đêm ra từng mảnh nhỏ
Khâu đêm lại bằng tóc …

Cắt ta ra từng mảnh nhỏ
Khâu ta bằng hết đêm này đến đêm khác
Cho đến khi trắng hếu đêm

(Cắt)

Em vượt qua nỗi buồn bằng chế ngự
Quả tim chứa những dòng chảy lặng lờ
Những dòng – đỏ – lặng – lờ
Không mùi vị
Và không ướt
Em vượt qua nỗi buồn bằng chế ngự
Nhìn đôi chim kia
chết
(Đôi Chim Sẻ)

Đêm về đi để sáng
Khuôn mặt người đàn bà ngước nhìn lên
Sáng bừng đêm
                 (Đêm về đi để sáng)

Ly Hoàng Ly ngước nhìn lên là sáng bừng đêm, muốn “lau sạch nước mắt phụ nữ “, muốn cuộc sống nở hoa

Tôi muốn
Căn nhà tôi ở tỏa hương ngào ngạt
Những cành lá trong vườn giũ chất diệp lục lên da mặt
Để tôi lúc nào cũng xanh men mét tôi muốn
Biến thành thiên thần xanh trên cao bồng bềnh
Nhìn ổ trứng cuộc đời nở trên những người thân của tôi
Trong căn nhà ngộp hương hoa
(Tôi muốn)

Ly Hoàng Ly còn đang trải nghiệm hiện sinh, chị đã đi rất sâu vào Đêm cuả nghiệm sinh cô độc, tưởng như đã chạm đến cái chết, tồn tại là tồn tại chết.  Trái tim đã khô, máu chỉ còn là dòng đỏ lặng lờ không mùi vị và không ướt,  hiện hữu chỉ còn là xác người đàn bà trong bức tranh “thấy mình rời ra từng mảnh / không đau đớn “(Người Trong Tranh), và hơn thế, là sự vong thân trắng hếu.

Trong tư thế trói gô
Người phụ nữ không tìm thấy xác mình
Chỉ thấy rêu xanh lét chân tường
Chỉ thấy đêm đầm đìa nước mắt…

(Performance Foto)

Ly Hoàng Ly đã khắc hoạ được chân dung cuả mình vào thơ Việt Nam đương đại với những đường nét, tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc. Chị đã vượt qua những nhà thơ nữ đi trước và mở ra một con đường mới cuả thơ ca.Thơ chị vẽ đậm nét hai màu đen trắng. Màu Đen của những bất hạnh và cô độc, màu Trắng cuả vong thân cuả nỗi chết. Những bài thơ viết theo Nghệ thuật trình diễn là những cảnh diễn đầy tư tưởng và thẩm mỹ,  nó gọi mời người đọc tham dự vào cảnh diễn để cùng trải nghiệm hiện sinh. Năng lực sáng tạo cuả chị thật dồi đào và độc đáo. Chắc chắn chị sẽ làm được điều này.

Hãy bắt đêm
Nhốt trong lon đựng dế
Để đêm gáy lên
Gáy lên
Cho đến khi trời xanh   (gáy)

 

Bùi Công Thuấn